Trong tuần làm việc vừa qua, Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, xã hội được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm theo dõi như việc tăng tuổi nghỉ hưu, các sai phạm trong kỳ thi THPT 2018 hay việc chuyển sang hợp đồng có thời hạn đối với viên chức…

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Trong buổi thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), điểm đáng chú ý nhất là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất mức tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ và có lộ trình cụ thể. Chính phủ đã quy định nội dung này trong dự thảo Bộ luật theo hai phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi với lộ trình tới năm 2028 (dành cho nam) và 2035 (cho nữ). Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các phương án cụ thể được Chính phủ báo cáo Quốc hội vẫn chưa thực sự thuyết phục.

Tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực

Đánh giá về việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) khẳng định việc đảm bảo an ninh trật tự là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên môi trường hòa bình, ổn định của mỗi quốc gia. Đại biểu đánh giá, năm 2018, Bộ Công an đã quyết tâm, chủ động, tiên phong trong thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, thu được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tuy vậy, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về sức nặng, tính răn đe của các mức xử phạt đối với các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng diễn biến phức tạp. Theo đại biểu cần sớm tập trung chỉ đạo giải quyết rõ nét, quyết liệt hơn nữa để cho mọi người dân có quyền được sống trong môi trường xã hội thật sự an bình, hạnh phúc.

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, các đại biểu cho rằng đây là bức tranh đẹp, toàn diện. 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; tổng thu ngân sách vượt dự toán, T.Ư vượt thu sau 3 năm liên tiếp hụt thu; bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng kiến nghị Chính phủ cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp tư nhân có điều kiện phát triển.

Thẳng thắn chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nhìn nhận đây là thực trạng phản ánh tình hình không thuận lợi trong môi trường đầu tư do cơ chế chính sách. Việc khuyến khích chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh lên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kết quả rất thấp. Qua tìm hiểu lý do, nhiều hộ cho rằng, nếu là hộ kinh doanh cá thể thì thuế đóng ít hơn, lên doanh nghiệp phải thuế đóng nhiều hơn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận lỗi trước Quốc hội

Tại phiên thảo luận, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc khắc phục hạn chế của kỳ thi năm 2018 trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 , nhiều đại biểu cho rằng chất lượng giáo dục - đào tạo hiện nay không thực chất, bệnh thành tích trong giáo dục không những không giảm, mà còn có xu hướng gia tăng. Ngành Giáo dục đề ra những giải pháp hiệu quả thấp, không mạnh dạn đối diện với sự thật để làm cho kết quả học tập trở nên thực chất hơn, đúng với thực trạng hơn. Nêu thực tế, có nhiều lớp học có hơn 40 học sinh, phần lớn số học sinh đều đạt học lực khá, giỏi, điều đó thể hiện không chính xác chất lượng đào tạo.

Giải trình về vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói: "Bộ và cá nhân tôi là Bộ trưởng, phụ trách ngành, xin nhận trách nhiệm và thiếu sót ở một số việc". Bộ trưởng Nhạ nhận trách nhiệm về ba vấn đề gồm: phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn lỗ hổng để đối tượng xấu lợi dụng, làm sai lệch kết quả thi; phổ biến quy chế và tập huấn nghiệp vụ một số khâu (nhất là chấm thi) ở một số địa phương chưa chi tiết, hiệu quả và cuối cùng công tác thanh tra, giám sát của Bộ ở một số địa phương chưa sâu sát.

Chuyển viên chức sang hợp đồng có thời hạn

Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải chuyển sang hợp đồng làm việc có thời hạn, đây là một điểm đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Hiện nay theo quy định, chúng ta đang thực hiện hợp đồng làm việc không thời hạn đối với viên chức, giống như biên chế công chức. Nhưng theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, viên chức hoạt động trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải chuyển sang hợp đồng có thời hạn, trừ khu vực vùng sâu, vùng xa.

Luật sửa đổi cũng sẽ quy định chặt hơn về chất lượng đầu vào của công chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực thực thi công vụ, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Thi tuyển công chức hoặc tuyển dụng công chức tới đây sẽ sửa đổi bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển những trường hợp đặc biệt, nhưng với tinh thần hết sức chặt chẽ về chất lượng đầu vào. Khống chế việc giảm tỷ lệ biên chế ở các địa phương, mỗi giai đoạn 5 năm là 10% để có sự sàng lọc.

Hoàng Linh