Ngay trong phiên khai mạc và liên tiếp trong các ngày làm việc tiếp theo, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 và một số báo cáo kinh tế-xã hội quan trọng khác. Kết quả đánh giá, phân tích và những ý kiến góp ý, thảo luận của đại biểu ngay tại hội trường cũng là cơ sở quan trọng trong việc tổng hợp nên một định hướng lâu dài cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, các đại biểu cho rằng, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, nhưng với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, bức tranh kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng, nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế phục hồi rõ nét; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao. GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%). Niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt một số kết quả tích cực bước đầu. An sinh xã hội được bảo đảm; phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn không ít vấn đề đặt ra cần được đánh giá sâu hơn liên quan đến bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực, năng suất lao động, thể chế kinh tế… Đặc biệt là sau khi Việt Nam ký kết tham gia Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chúng ta sẽ có được những cơ hội và thách thức ra sao?
**
Tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng pháp luật**
Bên cạnh việc thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội, công tác xây dựng pháp luật vẫn chiếm tỷ lệ thời gian làm việc cao nhất tại kỳ họp lần này với 19 ngày thảo luận để xem xét, thông qua 18 luật, 14 Nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật nhằm tiếp tục triển khai thi hành, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 với các dự án luật quan trọng nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tiến trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Đáng chú ý, trong số các dự án được thông qua lần này, có thể kể đến hai lĩnh vực pháp lý hết sức quan trọng là hình sự, tố tụng hình sự và dân sự, tố tụng dân sự-những đạo luật có vai trò quan trọng trong thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp 2013 đều đã được Quốc hội cho ý kiến tại các kỳ họp trước.
Bảo đảm tốt hơn quyền con người và quyền công dân
Trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với trọng tâm thảo luận về quyền con người và quyền công dân. Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề xung quanh nội dung bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; điều kiện của cá nhân, pháp nhân làm người giám hộ; pháp nhân; tăng cường các biện pháp công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự.
Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Theo đó, tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tòa án vận dụng nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật, phong tục tập quán, nguyên tắc công bằng, thông lệ quốc tế... để phán quyết, chấm dứt tranh chấp.
Hoàng Linh