Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt “Đề án thống kê khu vực kinh tếchưa được quan sát”. Bản chất của việc này là tính toán lại khu vực kinh tế phi chính thức, cập nhật vào quy mô GDP của nền kinh tế. Tuy nhiên, có không ít người do chưa tìm hiểu kỹ, vội “bình loạn” trên mạng xã hội, cho rằng đó là kiểu thống kê vơ bèo vạt tép, nhằm tô hồng thành tích phát triển kinh tế.
Trong khu vực kinh tế chưa được quan sát thì kinh tế ngầm là một bộ phận đáng chú ý nhất. Nó bao gồm những hoạt động kinh tếhợp phápnhư các giao dịch bằng tiền mặt, không có hóa đơn, nhằm trốn thuế và hoạt động được miễn thuế; các hoạt động kinh tếbất hợp phápnhư tín dụng “đen”, buôn bán ma túy, buôn người, mại dâm, đánh bạc...
Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đã từng khảo sát tại 158 quốc gia để đánh giá quy mô kinh tế ngầm trên toàn cầu. Theo đó, giai đoạn 1991-2015, trung bình toàn thế giới, khu vực kinh tế ngầm tương đương 31,9% GDP. Nước có tỷ lệ kinh tế ngầm cao nhất là Zimbabwe với 60,6% GDP và thấp nhất là Thụy Sĩ với 7,2% GDP. Như vậy, thống kê khu vực kinh tế ngầm không phải là bệnh thành tích, mà là hoạt động khoa học nhằm đánh giá đúng quy mô nền kinh tế để có các giải pháp kiến tạo, quản lý phát triển tốt hơn.
Tạp chíForbes(Hoa Kỳ) cho rằng, kinh tế ngầm làm cho các nước trên thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.Với một số quốc gia, kinh tế ngầm liên quan đến thâm hụt ngân sách khi chính phủ thất thu thuế. Theo Tổng cục Thống kê thì khu vực kinh tế ngầm ở nước ta gồm 5 bộ phận: Kinh tế không công khai, kinh tế phi pháp, kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu và kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.
Có một số nghiên cứu cho rằng, quy mô khu vực kinh tế ngầm ở Việt Nam khá lớn bởi tình trạng tham nhũng, buôn lậu... Cao hay thấp chưa quan trọng, điều quan trọng là với việc đưa “Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát” vào hoạt động, chúng ta sẽ đánh giá đúng thực trạng, tìm đúng nguyên nhân để đề ra các giải pháp xử lý có lợi cho nền kinh tế.
Kinh tế ngầm ở nước ta được dự đoán là khá lớn bởi những nguyên nhân sau: Một là, nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường phát triển nhanh chóng, nhưng cơ quan quản lý nhà nước chưa phát triển kịp nên chưa có hệ thống thống kê phù hợp.Hai là, chính sách và luật pháp chưa đủ chặt chẽ, không khuyến khích được khu vực kinh tế ngầm thành kinh tế công khai. Ví dụ, thủ tục hành chính rườm rà nên người dân thích hối lộ vặt cho người thi hành công vụ để khỏi phải đi nộp thuế. Hoặc giao dịch kinh tế như mua nhà cửa, đất đai, xe cộ thì viết tay để khỏi phải làm thủ tục sang tên. Ba là, thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến, dẫn tới khó thống kê chính xác hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và cá thể. Bốn là tình trạng trốn thuế, lậu thuế còn nhiều. Như vậy, nếu khảo sát để bổ sung kinh tế ngầm vào hệ thống số liệu kinh tế - xã hội thì sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp đưa kinh tế ngầm ra công khai, minh bạch.
Tất nhiên, không dễ để thống kê chính xác quy mô khu vực kinh tế ngầm, càng không dễ giảm tỷ lệ của kinh tế ngầm trong toàn bộ nền kinh tế. Những quốc gia tiên tiến, hiện đại nhất thế giới mà khu vực kinh tế ngầm vẫn ước tính xấp xỉ 10%. Cho nên, việc phê duyệt và triển khai “Đề án thống kê khu vực kinh tếchưa được quan sát” là việc làm rất cần thiết, thể hiện dũng khí, quyết tâm kiến tạo một nền kinh tế minh bạch của Chính phủ.
Hy vọng, thực hiện Đề án này sẽ góp phần thay đổi tư duy và tập quán của hàng triệu người dân đang tham gia vào khu vực kinh tế ngầm. Từ đó từng bước giảm dần tỷ trọng của khu vực kinh tế ngầm, giúp nền kinh tế ngày càng được thống kê chính xác và minh bạch, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ứng dụng ngày càng rộng rãi trong nền kinh tế nước ta cũng như trong xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử các cấp, Đề án sẽ có nhiều thuận lợi trong triển khai.
Điều quan trọng là công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông phải được quan tâm đẩy mạnh, để tạo sự đồng thuận trong xã hội, khích lệ sự tự giác, tự nguyện tham gia của người dân.
Nguyễn Hồng