Tại đây, ông gặp được “ý trung nhân” của mình, một cô gái xứ Nghệ rất trẻ, nhưng đảm nhiệm cương vị Bí thư đảng đoàn phụ nữ huyện Đại Lộc. Người con gái đó tên là Nguyễn Thị Đạm Liên.
- Cô ấy thấp, nhỏ nhưng có khuôn mặt dễ thương, cử chỉ nhẹ nhàng, thanh thoát. Đạm Liên quê ở Nam Đàn, từng học trường Đồng Khánh. Ngày xưa những người con gái có học như thế ít lắm. Mến tài nhau, vừa đồng chí lại vừa đồng hương, chúng tôi đã đến với nhau. Trung tướng Lê Hữu Đức kể.
Yêu nhau cuối năm 1946, đến tháng 3-1947, ông bị thương nặng, phải cắt cánh tay. Nghĩ đến tương lai của người yêu - một cô gái trí thức mới 21 tuổi, ông chủ động “cắt” quan hệ. Không ngờ Đạm Liên biết chuyện, tìm đến “xạc” cho ông một trận: “Anh tiểu tư sản quá. Vợ chồng ai mà chẳng muốn trọn vẹn, đã hứa với nhau thì phải giữ lời chứ!”.
Năm 1950, họ tổ chức đám cưới ở thị xã Tam Kỳ. Không nhà không cửa, đêm tân hôn, đôi vợ chồng trẻ dắt tay nhau đi suốt một đêm khắp thị xã rồi sáng hôm sau mỗi người lại lao vào công việc của mình. Cuộc sống gian khổ, vất vả nhưng rất lãng mạn của những ngày tháng đó vẫn in đậm trong trái tim ông. Năm 1953, Lê Hữu Đức được điều ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ ở tổ chức miền Nam của Bộ Tổng tham mưu, Đạm Liên về công tác ở Quân khu 4. Vợ chồng xa nhau cho đến năm 1955, khi bà được điều ra Ban Đối ngoại của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, họ mới được sống bên nhau. Có lần ông tâm sự:
- Vợ tôi hiền lắm, tuyệt vời, tôi phục lắm! 10 năm ở với nhau, chưa bao giờ thấy bà ấy đánh con bao giờ. Tôi thỉnh thoảng nóng quá, cũng đánh con, phết chúng nó vào đít. Những lúc đó vợ tôi đưa chúng đi rửa mặt, xong bắt vòng tay xin lỗi ba. Đêm về, khi các con đã đi ngủ hết, bà mới phê bình tôi. Bà ấy bảo rằng, anh là quân sự, nhưng đừng dậy con bằng roi vọt. Các con còn nhỏ, nên anh phải tình cảm với chúng nó chứ. Trước những lời dịu dàng chân thành ấy, tôi mới thấy hối hận…
Năm 1965, Trung tá Lê Hữu Đức rời Hà Nội, chia tay người vợ thân yêu và 3 đứa con thơ vào chiến trường Tây Nguyên nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng Sư đoàn 1, sau đó là Tham mưu trưởng Sư đoàn 6, dưới quyền chỉ huy của Sư đoàn trưởng Nguyễn Hữu An. Không ngờ ngày chia tay cũng là ngày ông vĩnh biệt người vợ thủy chung và hiền thục. Ngày 15-6-1968, một ngày đã khắc vào trái tim ông một nỗi đau không thể nào quên. Lúc đó ông đã là Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên. Buổi chiều, đi công tác về cơ quan, ông nhận được bức điện khẩn từ Hà Nội gửi vào. Giở ra, ông choáng váng, đất dưới chân ông như sụp đổ: Bức điện của Tổng cục Chính trị báo tin vợ ông vừa mới mất! Ông không tin vào mắt mình, mặc dù đó là sự thật. Vợ ông còn trẻ thế kia, hiền hậu và giỏi giang thế kia, làm sao mà chết được. Sau này khi trở ra Hà Nội, nghe cơ quan của bà kể lại, ông mới biết bà chết vì làm việc quá sức. Một nách ba con nhỏ, chiến tranh phải đưa đi sơ tán tận Vĩnh Phúc, bà vẫn bám cơ quan làm việc không ngày nghỉ. Giỏi tiếng Pháp, bà còn học tiếng Nga, tiếng Anh để dịch tất cả các bài phát biểu của lãnh tụ và các nghị quyết của Đảng, thông báo của Nhà nước ra ba thứ tiếng. Xong việc cơ quan bà lại lóc cóc xe đạp đi thăm nuôi con. Việc nhiều, cuộc sống vất vả, lại không có chồng bên cạnh đỡ đần, nên bà bị bệnh huyết áp. Một buổi sáng, đang làm việc thì bà bỗng nhiên kêu nhức đầu. Bà bỏ dở công việc ra ngoài bàn uống nước thì thổ ra máu. Mọi người tức tốc đưa bà đi bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô cấp cứu, nhưng 24 giờ sau bà vĩnh viễn ra đi mà không kịp gặp được ba đứa con thơ. Lúc đó bà mới 39 tuổi!
Sau khi vợ mất, Lê Hữu Đức mất thăng bằng một năm trời, sức khỏe giảm sút nhiều. Khuôn mặt ông hốc hác, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Thương người vợ hiền bao nhiêu, ông lại lo cho ba đứa con thơ dại nay mất mẹ không biết sống như thế nào giữa bom đạn của giặc Mỹ. Ban ngày lo chiến đấu, nỗi đau tạm vơi đi, nhưng đêm về mắc võng thì khuôn mặt của người vợ lại hiện lên đến đau lòng.
- Sau này tôi có đi bước nữa. May mắn là người vợ sau của tôi là một nhà giáo, rất tâm lý và cũng hiền lành, tôn trọng quá khứ của tôi. Chúng tôi sống hạnh phúc và có thêm con gái. Nhưng anh ạ, tình yêu ấy mà, nó lạ lắm… Tôi không thể nào quên được Đạm Liên.
HỒNG SƠN