Còn vài ngày nữa, tại T.P Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024). Đây là chiến thắng “chấn động địa cầu”, từng mở ra trang sử mới cho lịch sử nhân loại. Trong nhiều bài học của chiến thắng này, có bài học về sức mạnh toàn dân đánh giặc.

 Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh của nhiều yếu tố,  trong đó có sáng tạo về giao thông vận tải (GTVT). Để đập tan một cứ điểm được coi là “bất khả xâm phạm”, các chiến sĩ quân đội ta và lực lượng giao thông vận tải, thanh niên xung phong (TNXP) đã làm hàng nghìn ki-lô-mét đường giao thông, đào hơn 400 km hầm, hào chằng chịt tới sát tận khu vực đồn trú của đối phương để tiếp cận và tiêu diệt đội quân nhà nghề với trang bị vũ khí tối tân

Sau chiến thắng của “Chiến dịch Biên Giới” (năm 1950), đường số 4 được giải phóng, không còn mang tên đường "thuộc địa" (Route coloniale No4) như thực dân Pháp đã từng đặt tên nữa. Đường số 4, số 3, số 2, số 1 và đường 13 ở Việt Bắc và biên giới phía Bắc đã là những con đường độc lập, tự do, thông suốt từ an toàn khu và nối liền với nước CHND Trung Hoa vừa mới thành lập, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ta tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên toàn quốc.

Tính chung, trong chiến dịch Hòa Bình - Tây Bắc, các địa phương theo phân công của T.Ư đã tận lực huy động dân công làm đường, tiếp tế vận tải và huy động tối đa các loại phương tiện hiện có để thực hiện nhiệm vụ vận tải. Hai tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ đã huy động 134.190 dân công, 137 thuyền vận chuyển hơn 10.000 tấn lương thực, đạn dược, đưa 62.300 lượt bộ đội, cùng 836 tấn gạo sang sông. Thanh Hoá huy động 141.600 dân công gánh bộ, tỉnh Nghệ An huy động 67.722 dân công phục vụ cho chiến dịch. Mọi người đều hăng hái, nhiệt tình lên đường phục vụ, bất chấp cả mưa, lụt, đói rét, gian khổ và nhiều người bỏ cả ngày tết cổ truyền tại quê hương... sẵn sàng tham gia công tác GTVT phục vụ kháng chiến.

Có nhiều câu chuyện về lòng dân về “người người làm giao thông” cảm động, được lưu danh sử sách. Điển hình là bà cụ tên Năm ở Cao Bằng và người thợ cầu tên Nguyễn Văn Thường được Bác Hồ gửi thư khen. Với cụ Năm, Bác viết: "Bà cụ Năm (Cao Bằng) 83 tuổi, xung phong sửa đường. Cán bộ khuyên bà cụ nghỉ, thì bà cụ nói: Càng già càng phải giúp đỡ kháng chiến. Sửa đường để bộ đội đi cho mau, giết cho nhiều giặc, thắng cho nhiều trận...".

Với anh Nguyễn Văn Thường - người thợ cầu xuất sắc, đã góp phần quan trọng trong thiết kế, thi công nhiều cầu trong thời gian này, Bác viết: "Anh Thường luôn luôn kiên quyết vượt mọi khó khăn để làm tròn nhiệm vụ. Không có vật liệu thì tự tìm ra vật liệu. Không có dụng cụ thì tự chế ra dụng cụ. Thiếu cán bộ giúp việc thì tự huấn luyện ra cán bộ. Anh Thường biết gần gũi anh em, khuyến khích sáng kiến của họ, săn sóc đời sống của họ. Trong công việc, anh Thường xung phong trước, để làm kiểu mẫu".

Phải nói rằng, các lực lượng GTVT cả trong và ngoài quân đội, TNXP, dân công đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn để thực hiện nhiệm vụ, nhất là gặp khi mưa rét, đường sá lầy lội, lún sụt, địch ném bom bắn phá ác liệt các trọng điểm, các tuyến đường. Ở Hòa Bình, Đội TNXP Cù Chính Lan và dân công thường trực đã khắc phục gian khổ, khó khăn, góp phần quan trọng đảm bảo giao thông phục vụ mặt trận...

Theo đồng chí Nguyễn Văn Trân - nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Bộ trưởng GTVT, công việc làm đường trong thời gian này gặp rất nhiều khó khăn. Đường làm mới không có khảo sát thiết kế, không có trắc dọc, trắc ngang, chủ yếu là ngắm bằng mắt thường, rồi căng dây cắm cọc. Đường rộng 3-3,5m, khoảng 500m lại mở rộng làm nơi tránh xe. Đá sỏi phải lấy từ xa, dùng xe trâu bò chở hoặc gánh bộ. Phá đá không có thuốc nổ, phải chất củi đốt nóng rồi đổ nước cho vỡ ra. Phà chở xe qua sông vào ban ngày phải tìm nơi dìm giấu phà để tránh máy bay giặc, tối mới trục lên để sử dụng. Phải bố trí chốt người ở các trọng điểm để cứu các xe bị sa lầy, sụt lún. Tinh thần lao động của TNXP và dân công ở mọi lứa tuổi đều rất hăng hái, dũng cảm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xung phong đi đầu đảm nhiệm công việc. Biết bao tấm gương đã hy xinh vì sự nghiệp “mở đường” trong Chiến dịch Điện Biên phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của sức mạnh toàn dân đánh giặc dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Để đi tới và làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc, giải quyết thành công và sáng tạo nhiều vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Về nghệ thuật quân sự, điểm nổi bật là chủ động sáng tạo, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, không phát huy được ưu thế công sự kiên cố, hỏa lực mạnh, có sức cơ động cao.

Đó cũng là chiến thắng của lòng dân, của ý chí: “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù” - (Hò kéo pháo của Hoàng Vân). Suy rộng ra, đó là chiến thắng của văn hóa Việt Nam.

Ngô Đức Hành