Từ giữa tháng 3-2022, các nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe ở Đức đều phải chứng minh đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, hoặc chứng nhận mới khỏi bệnh, nếu không muốn đối mặt với hình thức phạt tiền, thậm chí cấm làm việc. Tưởng vậy đã là quá khắt khe với các nhân viên y tế, nhưng nước Đức còn làm mạnh hơn khi đưa quy định tiêm chủng bắt buộc với họ vào hiến pháp.

Tòa án Hiến pháp CHLB Đức ngày 19-5 phán quyết rằng: việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là bắt buộc đối với nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe và điều này được quy định trong Hiến pháp Đức. Với phán quyết này, Tòa án Hiến pháp Đức đã bác bỏ các khiếu nại đối với quy định tiêm chủng bắt buộc, khẳng định rằng việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương được đặt lên hàng đầu. Phán quyết của tòa án nêu rõ: Các nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện, nhà dưỡng lão cũng như các phòng khám, dịch vụ cấp cứu, trung tâm phẫu thuật và cơ sở cho người khuyết tật đều phải thực hiện quy định này.

Với luật vừa được chính thức ban hành, những người làm việc trong các lĩnh vực y tế hoặc chăm sóc sức khỏe mà không muốn tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ chỉ còn cách thay đổi công việc. Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach hoan nghênh phán quyết trên của Tòa án Hiến pháp và cảm ơn các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng trên toàn quốc. Ông khẳng định: “Chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương”.

Thế mới biết, khi bảo vệ sức khoẻ người dân là một vấn đề ưu tiên hàng đầu thì việc đưa các quy định ngặt nghèo vào hiến pháp cũng sẽ được mọi người ủng hộ.

Nam Long