Thương lái đang thu mua lúa của nông dân.

“Nâng giá” thành công cho lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua là kinh nghiệm quý cho điều hành kinh tế của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Giá lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long những ngày đầu năm 2019 bỗng sụt giảm, giá lúa tươi tại ruộng chỉ còn từ 4.200 – 4.400 đồng/kg (IR50404); các giống hạt dài, thơm nhẹ có giá 4.500 đồng/kg. Đến ngày 20-2, hầu hết diện tích lúa của nông dân vẫn “nằm im”, chưa được thương lái, doanh nghiệp thu mua.

Trước diễn biến giá lúa sụt giảm, chiều 19-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc triệu tập cuộc họp khẩn với các bộ, ngành có liên quan, nhằm giải quyết việc thu mua lúa gạo cho nông dân, đảm bảo quyền lợi cho nhà nông theo nguyên tắc thị trường.

Và theo các chuyên gia kinh tế, thì các doanh nghiệp phải thu mua giá cao hơn thị trường từ 5 đến 10% mới có thể kéo giá lên được.

Khó khăn là hiện các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo chưa có đầu ra... Nghĩa là phải tăng thu mua lúa gạo dự trữ và Thủ tướng quyết định phải mua ngay 200.000 tấn gạo; 80.000 tấn thóc dự trữ.

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - ông Lê Minh Hưng cam kết “Sẵn sàng thu xếp đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất cho vay ngắn hạn, bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên là: 6,5%/năm”.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị “Ngành Ngân hàng thúc đẩy cho vay sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL” với nội dung chính là tập trung nguồn vốn, nâng hạn mức tín dụng, kịp thời giải ngân cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua thóc, gạo cho nông dân sản xuất lúa tại ĐBSCL, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời bàn về các giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn cho giá lúa gạo; nhất là tháo gỡ về thủ tục hành chính; đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay... đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng.

Các Ngân hàng Thương mại lớn như Agribank, Vietcombank, Sacombank... cũng khẳng định sẽ tiếp tục chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong việc cho vay thu mua dự trữ, chế biến lúa gạo và cam kết sẽ cung ứng đủ vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, HTX và các tổ chức kinh tế thu mua lúa gạo kịp thời cho người dân với lãi suất ưu đãi hợp lý.

Chỉ sau vài giờ ngành Ngân hàng “lên tiếng”, lập tức thị trường thu mua lúa gạo ở ĐBSCL sôi động trở lại; giá lúa tươi tăng 200 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu tăng 165 đồng/kg, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng, đảm bảo thu nhập cho doanh nghiệp, thương nhân và người sản xuất lúa.

Sự vào cuộc kịp thời của NHNN trong thu mua lúa gạo tại ĐBSCL vừa qua cho thấy sự chi phối có tính quyết định của đồng vốn trong cơ chế thị trường định hướng XHCN hiện nay.

Đồng thời đây cũng là bài học về sự đổi mới của Chính phủ trong đổi mới thủ tục hành chính, kiên quyết gỡ bỏ những thủ tục rườm rà “gây khó cho doanh nghiệp” và người lao động.

Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, từ Thủ tướng Chính phủ, đến Thống đốc Ngân hàng và các doanh nghiệp, doanh nhân thu mua lúa gạo đã chuyển động nhanh và đồng bộ đến mức “Quyết định của Thủ tướng trở thành hiện thực chỉ sau vài giờ!”.

Năm 2019, diện tích lúa trên cả nước là 7,53 triệu héc ta, năng suất trung bình 58,1 tấn/ha, sản lượng lúa dự kiến đạt 43,8 triệu tấn, tương đương năm 2018, đủ cho nhu cầu trong nước và kế hoạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai trong Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp cùng NHNN, Bộ Công Thương và tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuối tháng 2 vừa qua đã thống nhất các giải pháp mang tính toàn diện từ sản xuất đến xuất khẩu gạo trước mắt cũng như lâu dài, giải quyết các nút thắt của ngành gạo trong sản xuất, cơ chế tín dụng, thương mại, khoa học công nghệ… cũng như duy trì sự tích cực trong xuất khẩu gạo.

Nhiệm vụ hỗ trợ vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng trong cho vay thu mua lúa gạo vừa qua đã được lãnh đạo Bộ NNPTNT và đại diện lãnh đạo các địa phương đánh giá rất cao, hy vọng đây sẽ là “cú huých” để ngành Ngân hàng nói riêng và các Bộ, ngành nói chung nhận thức hết tầm quan trọng của công tác tín dụng trong thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Box: Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2019 các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch được khoảng 10 triệu tấn lúa khô, đủ để chế biến khoảng 3,6 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ khoảng 2,7 triệu tấn lúa tại thị trường trong nước.

TS. Nguyễn Minh Phong