Hiện nay, việc sử dụng phổ biến thuốc bảo vệ thực vật để bảo quản và vận chuyển trái cây đi xa đã làm cho thị trường hoa quả trong nước đa dạng về chủng loại và hạ giá thành, nhưng vì hám lợi mà đã có không ít kẻ cố tình lạm dụng những loại hoá chất này nhằm lừa gạt người tiêu dùng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2009 là 134 tiệu USD, tăng 30,8% so cùng kỳ năm 2008. Các loại hoa quả đang được nhập nhiều là táo, lê, quýt và đào của Trung Quốc; sầu riêng, xoài, măng cụt và vú sữa của Thái Lan; nho, táo của Mỹ và Niu Di-lân... có ưu điểm là đồng đều về kích thước và chất lượng. Không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà ngay cả ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là vựa trái cây của Việt Nam, cũng bị các loại trái cây ngoại chiếm thị trường.

Các loại hoa quả nhập khẩu qua đường chính ngạch còn tạm yên tâm, nhưng qua đường tiểu ngạch và nhập lậu thì rất đáng lo ngại về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, việc kiểm dịch hoa quả lại chưa được thực hiện đúng mức. Chẳng hạn như ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), mỗi ngày có hàng chục tấn hoa quả Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam, việc kiểm dịch chủ yếu bằng cảm tính, chỉ khi phát hiện có những dấu hiệu “bất thường” mới được Trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh tổ chức lấy mẫu để kiểm tra xem có chất gây độc hại hay không? Thông thường mẫu được gửi về Hà Nội để kiểm tra nhưng cho đến nay mới chỉ nhận biết được khoảng 60 loại chất bảo quản. Bởi vậy, nếu hoa quả được ngâm tẩm bằng một “chất lạ” nằm ngoài danh mục 60 loại chất bảo quản đã được nhận biết thì hệ thống kiểm tra cũng không thể tìm ra được.

Người bán hàng chỉ cần bỏ ra 5.000 đồng có thể dễ dàng mua được một gói thuốc bảo quản cho số hoa quả trị giá tới hàng triệu đồng. Hóa chất sẽ ngấm sâu vào trong theo núm quả hoặc qua những lỗ nhỏ trên vỏ làm cho hoa quả tươi lâu, chống lại quá trình hô hấp tự nhiên của quả. Việc bọc quả trong nilon khiến cho các chất độc từ túi đựng bám vào vỏ không bay hơi, mà ngấm qua vỏ rồi khuếch tán vào ruột quả. Quả càng mọng nước, vỏ càng mỏng, quá trình khuếch tán càng nhanh và thời gian để càng lâu, nồng độ trong ruột càng tăng cao. Thường xuyên ăn hoa quả có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn cho phép là mầm mống gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, ngộ độc thần kinh, rối loạn chức năng thận...

Nước ta với lợi thế của vùng khí hậu nhiệt đới, mỗi địa phương đều có đặc sản trái cây như: hồng xiêm Xuân Đỉnh, bưởi Diễn (Hà Nội); hồng Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam); ổi Bo (Thái Bình); nhãn lồng (Hưng Yên); thanh long (Bình Thuận); vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang)... Nhưng thực tế hiện nay công tác nghiên cứu, lai tạo vẫn chưa được chú trọng đúng mức để lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý, đồng thời từng bước trồng chuyên canh. Bên cạnh đó, thời gian chọn tạo giống cây ăn quả đòi hỏi hàng chục năm, trong khi các đề tài, dự án cải tạo giống cây ăn quả ở nước ta chỉ vài ba năm là không hợp lý. Mặt khác, hoa quả có đặc tính mùa vụ, khó bảo quản lâu nên đến lúc thu hoạch rộ người trồng cây thường bị thương lái ép giá. Chính vì vậy, mặc dù hoa quả bản địa rất phong phú nhưng có xu hướng bị hàng ngoại lấn át ngay trên “sân nhà”. Một nghịch lý là, trong khi trái cây xuất khẩu ra nước ngoài phải kê khai rõ địa chỉ xuất xứ và chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm thì trái lại ở thị trường trong nước những tiêu chuẩn ấy vẫn chưa được quan tâm.

MAI PHƯƠNG