Thượng tướng Lê Chiêm, phát biểu khai mạc hội thảo.

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 25 tháng 5, tại Thành phố Điện Biên Phủ, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7-5-1954 – 7-5-2019)”. Chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên. Cùng chủ trì Hội thảo có các đồng chí Thiếu tướng Phùng Sĩ Tấn, Tư lệnh Quân khu 2 và Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 dự hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại biểu lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Yên Bái và Lai Châu; các quân khu, quân binh chủng, quân đoàn, học viện, nhà trường; các tướng lĩnh, nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Đặc biệt, dự hội thảo có sự hiện diện của các cựu chiến binh đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo nhấn mạnh: Hội thảo nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam; ý chí kiên cường, sự mưu trí, sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nguyên nhân, ý nghĩa của thắng lợi để rút ra những kinh nghiệm, bài học chỉ đạo chiến lược. Đồng chí khẳng định: “Cùng với những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạc vào lịch sử dân tộc bản hùng ca bất tử, cùng những tấm gương anh dũng, sáng ngời, khẳng định ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Nava, đập tan ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Giơ ne vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thừa nhận nền độc lập của nhân dân ba nước Đông Dương, làm sụp đổ từng mảng hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trở thành ngọn cờ tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh”.  

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đã khẳng định: Để bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị của chiến thắng này là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó có trách nhiệm của những thế hệ đang sinh sống và làm việc trên mảnh đất lịch sử thiêng liêng này. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn nhận thức sâu sắc rằng sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống Điện Biên Phủ, phát huy giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa bằng cách tạo ra những chiến thắng Điện Biên Phủ lớn, nhỏ trong công cuộc đổi mới hôm nay tại Điện Biên.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định: Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc; là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành lại độc lập, tự do. Đó là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam; của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; của liên minh đoàn kết chiến đấu thủy chung Việt Nam, Lào, Campuchia.  

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa.

Các đại biểu tham dự hội thảo rất xúc động khi được nghe phát biểu của cựu chiến binh Phạm Đức Cư, một trong các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ từ tháng 12 năm 1953. Ông bồi hồi kể lại những trận đánh của đơn vị mình ở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Ông rất xúc động khi nhớ về những đồng chí, đồng đội đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong chiến dịch và nhận rõ niềm tự hào cũng như trách nhiệm của mình là tiếp tục truyền thụ những chiến tích lẫy lừng của cha ông cho các thế hệ hôm nay và mai sau:“Tôi bây giờ sống ở mảnh đất này, trước chiến đấu ở mảnh đất này, bây giờ lại ở chân đồi Him Lam, bây giờ cứ đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, anh em lại mời tôi đi tham gia tuyên truyền về chiến thắng Điện Biên cho học sinh ở các trường học, đấy là nhiệm vụ và cũng là vinh dự nữa, mình truyền thụ lại những thành tích và chiến công của dân tộc ta để cho các thế hệ sau này học tập và noi theo.”

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên

Tổng hợp các tham luận Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Ban Tổ chức đã nhận được 80 bài tham luận của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các địa phương, các quân khu, quân binh chủng, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, đi sâu nghiên cứu theo từng vấn đề cụ thể. Trong Hội thảo 65 năm lần này tiếp tục khẳng định làm rõ hơn sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến dịch Điện Biên Phủ, và làm sâu sắc hơn về ý chí quyết tâm và tinh thần chiến đấu dũng cảm, sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam và một điểm được nghiên cứu sâu sắc nhất đó là làm rõ thêm về nguyên nhân thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ; có bàn một phần về nguyên nhân phía thực dân Pháp và làm sâu sắc thêm về nghệ thuật quân sự Việt Nam, đó là nghệ thuật chiến dịch và nghệ thuật chiến thuật, đã đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới. Đây là những bài học sâu sắc và vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn hiện nay.  

Bài và ảnh: Vũ Quang Huy