CCB Vũ Văn Tường, sinh năm 1940 tại thôn Yên Thái, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, T.P Hà Nội nhiều lần có đơn thư gửi về Báo CCB Việt Nam phản ánh: Từ khi có chính sách giải quyết chế độ cho những Người có công với cách mạng, đến nay, nhiều lần ông làm hồ sơ hưởng chế độ phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng vẫn chưa được…

Ba lần làm hồ sơ vẫn… không được

CCB Vũ Văn Tường phản ánh, trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2014, khi Nhà nước có một số quy định, chính sách giải quyết đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, ông Tường đã ba lần kê khai hồ sơ hưởng chế độ người hoạt động cách mạng bị phơi nhiễm CĐHH nhưng chưa được.

Trong đơn, ông Tường cho rằng, hồ sơ ông làm đề nghị được hưởng chế độ người phơi nhiễm CĐHH về bệnh “viêm thần kinh ngoại biên cấp tính và mãn tính”, có kèm theo bệnh án chữa trị trước đó của Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Quân y 105 nhưng đều bị trả lại vì những lý do rất vô lý, khiến ông không được đưa đi giám định kịp thời.

Đến năm 2015, hồ sơ của ông Tường mới được chuyển lên cấp trên và được gọi đi giám định. Nhưng lúc này bệnh thần kinh ngoại biên không còn trong danh mục 16 bệnh  mà Bộ Y tế quy định để xét chế độ, nên cho đến nay CCB Vũ Văn Tường vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp gì.

Trao đổi với PV, CCB Vũ Văn Tường cho biết: Hiên tại, sức khỏe của ông giảm sút rất nhiều, hông đau không đi lại bình thường được. “Trong chiến tranh tôi vác được hai quả rocket DKB nặng gần 140kg mà khi về Nông trường Cao Phong vác khẩu K44 thấy mệt nhọc. Suốt từ khi về Nông trường tôi luôn bị đau thần kinh, chân tay co quắp khi phát bệnh, vào nằm cấp cứu Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Quân y 105 tôi mới biết mình bị bệnh thần kinh ngoại biên, xuất huyết dạ dày, thoái hóa cột sống...

Ngay từ khi ở đơn vị, tôi đã bị điếc tai do sức ép bom mìn và mất hoàn toàn khứu giác, nhưng khi được ra quân, phấn khởi quá, vội vàng về quê không nghĩ gì đến làm chế độ bệnh binh hay thương tật tại đơn vị.

Những năm về làm Đội trưởng Đội Bảo vệ ở Nông trường Cao Phong tỉnh Hòa Bình, mặc dù rất cố gắng nhưng tôi vẫn không trụ được, cơ quan phải cho đi Giám định y khoa. Kết quả tôi mất 62% sức khỏe; được giải quyết về mất sức từ năm 1988 với bản kết luận mắc nhiều bệnh tật đều do hậu quả của chiến tranh, nhất là thần kinh và cột sống” - CCB Vũ Văn Tường cho biết tiếp…

Mong được xem xét, giải quyết

Ông Tường cho biết: “Khi về địa phương từ năm 2001 đến 2014, ba lần tôi đi làm Hồ sơ Giám định y khoa để xét chế độ người có công đều bị trả về một cách vô lý. Ví như, có lần thì có biên bản của Hội đồng Xét duyệt của xã nhưng khi cán bộ Thương binh xã hội xã đi nộp hồ sơ lại không có văn bản giới thiệu xác nhận này của xã kèm theo. Hay như, có lần thì giữa tên bệnh nhân trong bệnh án của Bệnh viện và nhận xét về bệnh tật của Hội đồng Xét duyệt của xã ghi khác nhau…, đều không phải lỗi của tôi, vì thế hồ sơ không được xét duyệt chế độ khi bệnh của tôi nằm trong 17 bệnh do Bộ Y tế quy định tại Quyết định 09/2008/QĐ-BYT về Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin.

Cho mãi đến năm 2015, hồ sơ xét duyệt của tôi mới được chuyển lên Hội đồng Giám định Y khoa thành phố thì lúc này quy định của Bộ Y tế đã thay đổi, chỉ còn 16 bệnh, không có bệnh “viêm thần kinh ngoại biên cấp tính và mãn tính” như trong bộ hồ sơ bệnh án trước đây kê khai theo quy định”.

Theo ông Tường cho biết: Ông từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quân khu 5 với thời gian 8 năm 7 tháng, được nhân hệ số là 11 năm 5 tháng và 3 năm ở chiến trường Lào, tổng cộng ông có hơn 14 năm 6 tháng với tỷ lệ mất sức khỏe 62%, đủ để được xét chế độ bệnh binh, nên ông mong được Nhà nước xem xét các tiêu chí, điều kiện để được hưởng chế độ Người có công với cách mạng. Sau đó ông Tường nhiều lần có đơn kiến nghị. Ngày 6-3-2012, Phòng LĐTBXH huyện Quốc Oai có Văn bản số 04/CV-LĐTBXH trả lời ông Tường rằng hồ sơ của ông không đủ điều kiện để giải quyết. Tiếp đó, Sở LĐTBXH T.P Hà Nội cũng có văn bản trả lời ông Tường. Văn bản của Sở này cho hay, đã giới thiệu ông Vũ Văn Tường kèm toàn bộ hồ sơ theo quy định đến Hội đồng Giám định Y khoa của thành phố để giám định bệnh theo quy định.

Hội đồng kết luận ông mắc bệnh không nằm trong danh mục bệnh, tật dị dạng, dị vật có liên quan đến phơi nhiễm với chất CĐHH nên Sở không có cơ sở để thực hiện chế độ.

Tuy nhiên, văn bản của Sở này lại cho rằng, nếu ông Vũ Văn Tường bị mắc một trong các bệnh, tật được quy định tại Điều 7, Danh mục bệnh, tật, dị dạng dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hoá học theo quy định tại Thông tư số 20/2016/TTLB-BYT-LĐTBXH hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ thì đề nghị ông liên hệ với UBND xã Đông Yên để được hướng dẫn kê khai hồ sơ theo quy định hiện hành...

Được biết, ông Tường hiện nay sức khỏe rất yếu, thường xuyên ốm đau, thu nhập không có nhiều ngoài số tiền phụ cấp mất sức lao động ít ỏi… Vợ ông là bà Đỗ Thị Hoãn, tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến chống Pháp và Huy chương, Bằng khen trong kháng chiến chống Mỹ nhưng bị tai biến, mất trí nhớ nhiều năm nay, không tự phục vụ bản thân nên ông Tường thường xuyên chăm sóc, giám sát bà Hoãn để bà không bị tai nạn, đi lạc khỏi nhà.

Vì vậy, CCB Vũ Văn Tường mong muốn, một lần nữa chính quyền các cấp ở Hà Nội và Ngành LĐTBXH thành phố xem xét, giải quyết nguyện vọng cho ông được đi khám lại sức khỏe tại Hội đồng Giám định Y khoa T.Ư. Ông cho rằng, chỉ có cấp T.Ư mới có một kết luận chính xác, khách quan và đầy đủ về tình trạng đau yếu của ông. Qua đó mới có thể xem xét giải quyết chế độ người có công như “phơi nhiễm chất độc hóa học hoặc bệnh binh” một cách công bằng và khách quan nhất. Đồng thời, ông kiến nghị cần xét chế độ trợ cấp cho vợ ông để cuộc sống của hai ông bà lúc tuổi già đỡ khó khăn, vất vả...

Bài và ảnh: Tư Hoành