Vườn chim Thung Nham.

Gần 10 năm trước, đi viết điển hình tuyên truyền Chào mừng “Đại hội Thi đua yêu nước Hội CCB Việt Nam lần thứ V”, tôi may mắn được Hội DN CCB tỉnh Ninh Bình giới thiệu “người hùng” - doanh nhân CCB Phạm Công Chất, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Dịch vụ Thương mại và Du lịch Doanh Sinh.

Ngày ấy, được nghe Phạm Công Chất say sưa kể về 20 năm anh cải tạo khu sình lầy 34,2ha nằm lọt trong khu rừng nhiệt đới rộng 334,2ha này; lại được “thực mục sở thị” những hiện vật, như cỗ máy cày, con thuyền, bộ quần áo, chiếc ba lô “cắm bản”...  đã cùng anh và “ông Trâu” cần mẫn làm nên Khu du lịch Thung Nham nổi tiếng - trong vùng lõi Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, tôi đã thầm nghĩ Phạm Công Chất đúng xứng đáng là “người hùng” - như Chủ tịch Hội DN CCB tỉnh Ninh Bình - Nguyễn Đức Toàn nói.

Lần này, anh vẫn đứng vững chắc là một trong những doanh nhân CCBlàm kinh tế giỏi được chọn báo cáođiển hình trong Đại hội đại biểutoàn quốc Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam  lần thứ III (2023-2028) sắp tới. Chúng tôi lại tìm gặp “người hùng”.  

Anh bận, nhưng đã có chị Đinh Thị Bình - hướng dẫn viên, vừa thạo việc, vừa tận tình, chu đáo ra tận xe đón chúng tôi đi; giới thiệu cho chúng tôi biết: “Thung Nham hôm nay” đã khoác lên mình bộ áo mới tươi trẻ, lộng lẫy, đẹp và quyến rũ gấp nhiều lần Thung Nham 10 năm trước.

Đó là bạt ngàn những loài hoa, trồng thành vườn gọi là vườn hoa; trồng trên những ụ đất tự tạo trong hồ nước gọi là đảo hoa, trồng ven đường gọi là đường hoa...; những hàng cây cảnh, cây ăn trái, như mít, khế, xoài, cam, bưởi, chuối, chanh, đu đủ, táo...; những vườn rau, củ, quả các loại, như bắp cải, xu hào, xu xu, hành, tỏi..., mùa nào thứ ấy được trồng, chắm bón đúng kỹ thuật, theo quy hoạch thành từng vùng, xen lẫn với các công trình nghỉ dưỡng, nhà hàng, hội trường, sân khấu, sân tổ chức sự kiện ngoài trời đủ cho 600 khách; bể bơi 5.000m2 được lắp đặt các thiết bị lọc nước tiên tiến và cũng là bể bơi ngoài trời lớn nhất của tỉnh Ninh Bình tính đến thời điểm hiện nay.

Hướng dẫn viên Đinh Thị Bình, giới thiệu với khách du lịch chiếc máy cày là một trong những phương tiện chính cùng CCB Phạm Công Chất trong những năm "khai thiên, lập địa" Thung Nham - nay được Công ty trưng bày như hiện vật bảo tàng ngoài trời trong khuôn viên khu du lịch. Ảnh:Hoàng Linh

Còn nữa, Thung Nham cũng là nơi chăn thả hàng trăm con lợn, gà, dê, vịt trời...; đặc biệt là cá trong hồ Tiên vừa to, vừa nhiều loài, thả tự nhiên, nhiều vô kể, đã trở thành món ăn đặc sản nhất của du khách, chế biến thành các món như cá hấp, cá rán, cá nấu, lẩu cá...

Nhưng “nổi nhất” của “nổi nhất” trong khu du lịch sinh thái này chính là Thung chim nổi tiếng cả nước với hàng triệu con, nằm giữa hồ Tiên, rộng 18ha, mực nước tự nhiên điểm sâu nhất 4m. Đây là nơi sinh sống, cư ngụ của 46 loài chim khác nhau, như cò, vạc, le le, sáo đá... Trong đó, có nhiều loại nằm trong Sách đỏ Việt Nam, như móng kẹt, hàng hạc, phượng hoàng...

Chị Bình đưa thuyền dẫn chúng tôi bơi vào thung chim và cũng từ đó không ai còn nghe rõ được tiếng chị Bình giới thiệu nữa - bởi âm thanh động hơn át đi, là tiếng hót ríu rít của chim con, tiếng nhảy cành mớm mồi của chim mẹ, tiếng vỗ cánh của chim bố đi kiếm mồi... tạo nên âm thanh như của “trời, đất” ban tặng - vừa thanh bình, vừa sống động rất khác thường.

Nhìn những hàng cây tràm, cây đước cao vút ôm lấy đảo chim khiến tôi lại nhớ lần về trước. Hồi ấy, cây mới được anh Chất mang từ đất mũi Cà Mau về trồng cao vài gang tay, thân nhỏ như que đũa mà nay vút lên trời thành rừng, rễ mọc tua tủa ra hồ Tiên như những chiếc nơm giữ đất không bị xói lở, còn cành, lá là vật dụng làm “nhà” lý tưởng cho loài chim quý hiếm Hàng Hạc.

Ngày đó, anh Chất bảo, để có được quyết định đúng đắn vào Cà Mau mua giống cây đước, cây tràm về  trồng quanh đảo chim, là do anh đã đọc, nghiên cứ từ hàng chục cuốn sách viết chuyên sâu về hai loại cây này; sau đó anh còn cất công về Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp) vừa học dự thính, vừa nghe các nhà khoa học đầu ngành môn động thực vật, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, ươm cây tràm, cây đước nhân giống từ vùng nước mặn (đáng tiếc là nhiều vùng ven biển ở nước ta nay bỏ trồng hai loại cây đặc dụng chống xói lở do sóng biển, vừa kinh tế, vừa hiệu quả nhất này, dẫn đến lở bờ biển đang diễn ra rất nghiêm trọng ở nhiều tỉnh).

Vừa hết “tua du lịch Thung Nham” cũng là lúc “người hùng” về. Anh vẫn chân chất, giản dị, mộc mạc như ngày nào. Nghe anh nói chúng tôi mới biết, anh đang chỉ đạo thi công công trình “Chợ đầu mối tỉnh Ninh Bình” do anh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Anh tự tin, khẳng định rằng đó sẽ là chợ đầu mối hiện đại, khoa học được áp dụng công nghệ lưỡng dụng trong thiết kế, thi công nên đạt được tiện ích tối đa.

Hiểu nguyện vọng của chúng tôi, anh “bẻ ghi” nói về Thung Nham. Anh hỏi: “Các nhà báo có thấy điểm khác biết trong phục vụ khách của Thung Nham không?”.

Hỏi, nhưng không phải đợi chúng tôi trả lời. Anh nói: “Khác biệt là Thung Nham tự cung, tự cấp 100% sản phẩm phục vụ bữa ăn của khách. Lợn bắt trong chuồng, cá đánh dưới ao, rau hái trong vườn... mùa nào thức ấy, tất cả đều là thực phẩm sạch, bảo đảm đủ phục vụ cho 1.000 người/ngày. Cũng có lý do, nếu ra các cửa hàng mua thực phẩm phải đi mất 13km, nhưng chính là vì Thung Nham có “thiên thời, địa lợi” hoàn toàn tự gieo trồng, chăn nuôi làm ra lương thực, thực phẩm phục vụ khách. Và quan trọng nữa là chúng tôi đặt mục tiêu phấn đấu mang lại “giá trị thực của cuộc sống” cho khách, là được ăn sạch, uống sạch, hít thở không khí sạch - điều mà bất cứ ai cũng mong cầu có được. Mục tiêu đó trở thành triết lý kinh doanh và là hạt nhân của văn hóa doanh nghiệp, định hướng dẫn dắt hoạt động của Công ty.  Chính vì thế mà khách du lịch trong nước và thế giới đến với Thung Nham ngày một đông, năm sau cao hơn năm trước. Cũng từ triết lý này mà rừng Thung Nham ngày một xanh tươi, nước Thung Nham ngày một sạch, không khí Thung Nham ngày một trong lành, vườn cò Thung Nham ngày một đông chim về làm tổ. Còn khách thì về nghỉ dưỡng ở Thung Nham đã chọn cả bốn mùa xuân - hạ - thu - đông...”

Nghe anh Chất nói, tôi chợt nghĩ, cũng như  lớp lớp các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ, trong đó có CCB Phạm Công Chất đã anh dũng chiến đấu, hy sinh một phần xương, máu để góp phần mang lại nền Độc lập - Tự do cho Tổ quốc - triết lý thực mà loài người tiến bộ hằng hướng tới.

Huy Thiêm