Trung tướng Nguyễn Văn Đạo gợi mở: “Hội thảo muốn nghe nhiều hơn những kinh nghiệm của CCB góp phần khắc phục hậu quả đó...”.
42 đại biểu đăng ký tham luận và dường như nội dung đã vượt cả ra ngoài Hội thảo.

54 tỷ đồng giúp hội viên thoát nghèo!
Một con số gây bất ngờ lớn, là kết quả huy động vốn của Hội CCB tỉnh Phú Thọ, do Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh - Đỗ Hữu Lễ đưa ra: 3 quỹ “Nghĩa tình CCB”, “Đồng đội”, “Khắc phục thiên tai” của Hội CCB tỉnh Phú Thọ phát động hiện đạt được tới 54 tỷ đồng. Quỹ đã giúp cho hàng nghìn CCB nghèo vay lãi suất thấp làm kinh tế, thoát nghèo.
Như để khẳng định đó là con số đã được thẩm định, đồng chí Vũ Ngọc Bình - Trưởng ban Kinh tế T.Ư Hội CCB Việt Nam nói: “Hội CCB tỉnh Phú Thọ được đánh giá là tỉnh dẫn đầu Hội CCB cả nước trong huy động vốn và sử dụng vốn giúp CCB thoát nghèo hiệu quả”.
Cách xây dựng quỹ của tỉnh Hội là: Thống nhất trong nhận thức, việc giúp hội viên nghèo thoát nghéo chính là bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm và cũng là một trong những nhiệm vụ thiết yếu nhất của Hội CCB. Được Tỉnh ủy lãnh đạo, sự đồng tình, nhất trí rất cao trong hội viên, tỉnh Hội thống nhất mỗi hội viên đóng một lần 500.000 đồng xây dựng quỹ “Nghĩa tình CCB”. Quỹ được quản lý tuyệt đối chặt chẽ, công khai, minh bạch và được sử dụng duy nhất một nhiệm vụ: Xóa nghèo cho hội viên CCB. Hội viên được vay vốn trong quỹ đều được bình xét dân chủ, công khai từ Chi hội CCB thôn, bản trở lên đến cấp tỉnh quyết định.
Do quỹ “Nghĩa tình CCB” hoạt động hiệu quả, nhiều tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân… đề xuất ủng hộ. Để quỹ hoạt động đúng mục đích, mà vẫn huy động được cộng đồng tự nguyện giúp đỡ, tỉnh Hội xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy và thành lập thêm 2 quỹ mới là quỹ “Đồng đội” và “Khắc phục thiên tai”.
Kinh nghiệm rút ra từ Hội CCB tỉnh Phú Thọ là phải quản lý, sử dụng quỹ “xóa đói, giảm nghèo” cho hội viên rất minh bạch, dân chủ, đúng người, đúng đối tượng và đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy thì sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ đóng góp của không chỉ hội viên mà của toàn xã hội.
Không chỉ giỏi huy động vốn, tỉnh cũng có cách làm xóa nghèo rất hiệu quả, là giao chỉ tiêu cho các chi Hội còn hộ CCB nghèo mỗi năm giúp một hội viên thoát nghèo; mỗi huyện, thành, thị trấn tổ chức được ít nhất một tổ, hoặc một CLB gia trại, trang trại theo ngành nghề hoặc liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm để tạo điều kiện giúp được các hộ nghèo, hoặc hộ có nguy cơ tái nghèo vào tham gia làm, theo khả năng của từng hộ… Kết quả tỷ lệ hộ hội viên nghèo toàn tỉnh giảm 1,5%/năm/110.299 hội viên toàn tỉnh (huyện Tân Sơn và Yên Lập giảm 3%); hộ CCB cận nghèo giảm bình quân từ 4 đến 5%/năm; hộ khá trở lên tăng 5%/năm.

Chuyện của “Sao Thần nông” cam Cao Phong
Đó là CCB Nguyễn Đức Mạnh, sinh năm 1956, ở Khu 3, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Anh nguyên là cán bộ kỹ thuật của Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật. Năm 1981 rời quân ngũ về quê, bắt tay vào công việc làm vườn trồng cam, nhưng ngay vụ đầu đã thất bại.
Anh giãi bày: “Tôi suýt chết, có phần do không nắm được kỹ thuât trồng cam, nhưng nguyên nhân chính là do dùng thuốc sâu bừa bãi. Ngày ấy, cứ thấy trên thị trường bán loại thuốc gì là mua loại thuốc ấy về phun diệt sâu cho cây; thậm chí còn nghĩ đơn giản cứ loại thuốc nào diệt được sâu chết nhanh là dùng loại thuốc ấy. Hậu quả sâu chết, rồi cây cũng chết theo - có loại thuốc dùng sâu chết, cây không chết, thậm chí xanh tốt, nhưng không bói quả; đất thì cằn cỗi, bản thân mình sau mỗi lần phun thuốc đầu óc choáng váng...”.
Không nhụt chí. Anh đã đứng dậy, khoác ba lô ra đi học hỏi kinh nghiệm trồng cam. Người bạn chí cốt của anh nói hình ảnh: “Cây cam cũng giống như con người, có bệnh thì phải chữa, nhưng muốn chữa khỏi phải dùng đúng thuốc và đúng liều lượng…”. Không ngờ câu nói ngắn gọn ấy của bạn đã giúp anh thay đổi hoàn toàn phương pháp trồng, chăm bón, bảo vệ cây cam. Loại phân bón tốt nhất cho cây cam Cao Phong hóa ra lại là hạt ngô trộn lẫn với đậu tương xay nhỏ như cám, bón xuống gốc cam.

  • Bón thế không sợ “một tiền gà ba tiền thóc?” - đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển - Nông thôn hỏi.
  • Không. Ngược lại rẻ hơn so với dùng phân hóa học. Hiện nay gần như 100% hộ trồng cam ở Cao Phong đã theo tôi hướng dẫn bón loại phân đó cho cam - anh giải thích trong lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm vườn cam nhà anh - ngày 15-5-2017.
    Anh đã thành công ngoài sự mong đợi, với 9ha cam mỗi năm anh thu hoạch được 2.000kg quả, thu lãi 4 tỷ đồng. Hai năm 2015-2016, anh được vinh danh là “Sao Thần nông” do Đài Truyền hình Việt Nam bình chọn.
    Bây giờ, hằng ngày, ngoài chăm sóc vườn cây anh dành hầu hết thời gian đi tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con các nơi cách trồng cam. “Đến đâu tôi cũng bắt đầu bài giảng bằng câu: Phân hữu cơ, phân hữu cơ và chỉ có phân hữu cơ mới giữ được thương hiệu cam Cao Phong” - anh nói.
    Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Hòa Bình cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 300 CCB trồng cam Cao Phong trên diện tích 970ha, hầu hết đều được CCB Nguyễn Đức Mạnh hướng dẫn cách chăm sóc, bón tỉa cây cam. Trong đó có nhiều CCB nghèo được anh Mạnh giúp cây giống, giúp công thời kỳ đâu ươm cây, nay trở nên khá giả.
    Sau khi “đăng đàn” tại Hội thảo, tới bữa cơm trưa, hàng chục CCB quây quanh Nguyễn Đức Mạnh để hỏi về kỹ thuật trồng cam; buộc anh bỏ cơm, giải thích cặn kẽ cho từng người và “chốt” lại: “Theo tôi trồng cam muốn thành công phải tuân thủ kỹ thuật trồng trọt, chăm bón bằng phân vi sinh”.

Trăn trở của Tổng giám đốc làm giàu từ rác
Cũng tại Hội thảo này, tôi được gặp lại CCB Mai Thị Hồng Nguyên - Tổng giám đốc Công ty TNHH Song Tinh, phường Phúc Thắng, T.P Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Yên. Ba năm trước, tôi gặp chị đi báo cáo điển hình Bảo vệ môi trường ở tỉnh Yên Bái. Ngày ấy nghe chị báo cáo việc đi thu gom rác thải về tái chế phế liệu, ai cũng cảm phục chị. Bây giờ Công ty của chị vẫn làm công việc đó, nhưng lớn mạnh hơn nhiều, trung bình mỗi ngày Công ty vận chuyển từ 7 đến 10 tấn chất thải trong các khu công nghiệp của tỉnh, tạo việc làm ổn định cho 80 đến 100 lao động, trong đó có hơn 50% là CCB và con em CCB với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Công việc của Công ty như thế mà chị lại mời tôi về Công ty viết về kỹ thuật nuôi cua và trồng rau sạch trên cao.
Chị bảo, nếu ở đâu cũng coi trọng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường như những CCB báo cáo trong Hội thảo hôm nay thì đất nước mình phát triển tốt đẹp biết mấy. Nhưng đáng tiếc là bà con mình, nhiều người sản xuất mà chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, dùng thuốc kích thích, phân bón hóa chất vô tội vạ. Chị buồn nhất là đi chợ mà không biết mua gì. Đến như bột cua cũng là bột cua giả. Rau thì mươn mướt xanh, nhưng xanh của thuốc kích thích, cầm lên ngửi sặc mùi thuốc trừ sâu… Để bảo vệ bữa ăn của mình, chị đành phải khoét hầm nuôi cua và học kỹ thuật trồng rau trên ban công tầng nhà!
Theo chị, những Hội nghị về chủ đề kết hợp kinh tế với bảo vệ môi trường như T.Ư Hội CCB tổ chức cần được nhân rộng nhiều hơn nữa thì mới góp phần nâng cao nhân thức cho toàn dân biết làm theo. Và như thế, đất nước mới phát triển bền vững được.
Huy Thiêm
Chuyện của “Sao Thần nông” cam Cao Phong