Những năm qua, Hội Cựu chiến binh huyện Na Rì đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, bảo lãnh thực hiện các dự án giúp hội viên tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Từ đó,cuộc sống của hội viên ngày càng được cải thiện và xuất hiện nhiều tấm gương Cựu chiến binh vượt khó vươn lên làm giàu.

Để thúc đẩy phong trào phát triển, Hội Cựu chiến binh huyện đã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích hội viên phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm kinh tế trang trại, gia trại, mô hình hợp tác xã. Toàn huyện hiện có 109 mô hình kinh tế do hội viên Cựu chiến binh làm chủ cho thu nhập hằng năm bình quân từ 150 đến 500 triệu đồng/năm. Có 04 Doanh nghiệp vừa và nhỏ; 06 Hợp tác xã; Có 85 hộ hội viên có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Xác định hỗ trợ hội viên tham gia phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội Cựu chiến binh huyện đã tích cực tuyên truyền, triển khai đến các hội viên Cựu chiến binh các chính sách, chủ trương của Nhà nước, đồng thời chỉ đạo các Chi hội vận động hội viên giúp nhau bằng nhiều hình thức: Trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ con giống, cây giống có giá trị kinh tế cao; xây dựng các tổ Cựu chiến binh tín dụng tiết kiệm. Bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, các hội viên Cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn đã tiếp cận được với các nguồn vốn và kiến thức trong việc phát triển kinh tế.

Đồng chí Đàm Văn Đá – Chủ tịch CCB huyện “Hiện nay trong toàn huyện có 109 mô hình đa dạng như những mô hình về xây dựng cầu đường giao thông, mặt hàng thương mại, có 73 mô hình sản xuất về nông lâm nghiệp nhưng còn nhỏ lẻ chưa có mô hình lớn so với phát triển kinh tế của huyện. Hiện nay đã có 6 hợp tác xã có thương hiệu 4 sao và 3 hợp tác xã đạt 3 sao. Tuy đã có nhiều cố gắng để phát triẻn kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo…. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hợp tác xã hơn, các công ty, các doanh nghiệp phát triển hơn…”

Thực hiện theo Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện, Hội Cựu chiến binh huyện Na Rì đã tiến hành phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong CCB toàn huyện về các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, trồng các loại cây ăn quả, trồng rừng và các loại cây có giá trị kinh tế cao. Từ những Nghị quyết, Hội CCB đã triển khai và biến thành hiện thực và tổ chức cho hội viên triển khai thành các phong trào này. Từng hội viên đã hỗ trợ giúp đỡ nhau về ngày công, giúp đỡ nhau trong việc chuẩn bị khâu đất, giống; phối hợp cùng với Hội Nông dân huyện tổ chức tập huấn về khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nhất là về công nghệ sử dụng phân bón, giống cây trồng, vừa đảm bảo cho vệ sinh ATTP và bảo đảm về môi trường…

Ngoài việc hỗ trợ hội viên vay vốn, Hội Cựu chiến binh huyện Na Rì đã phối hợp với các cấp, các ngành tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các lớp dạy nghề, hướng dẫn quy trình chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, nuôi gà thả vườn, làm bún khô, làm miến, làm mộc… Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế nên thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế giỏi điển hình như: hội viên Đàm Xuân Đông – thị trấn yến lạc: Xây dựng dân dụng, làm đường giao thông, thủy lợi, sản xuất kinh doanh doanh thu hằng năm của công ty thường xuyên từ 18 đến 22 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng; tạo việc làm cho từ 100 đến 120 lao động, mức lương thường xuyên từ 7 triệu – 9 triệu đồng/người/tháng, các chế độ bảo hiểm y tế, an sinh xã hội bảo đảm đầy đủ; Cựu chiến binh Hoàng Văn Oanh – xã Văn Minh làm doanh nghiệp xây dựng cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho trên 10 lao động, với thu nhập từ 5- 7 triệu đồng/người/tháng; hội viên Nguyễn Văn Tài, Trịnh Xuân Huấn – xã Côn Minh với mô hình Xưởng chế biến tinh bột và sản xuất miến dong thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho từ 10 đến 15 lao động thường xuyên, trả lương 5,5 triệu đồng/người/tháng trở lên; hội viên Hoàng văn Thủy – thị trấn Yến Lạc với mô hình sản xuất tấm lợp tôn tạo việc làm từ 5 đến 7 lao động thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng; hội viên Hoàng Văn Tân – xã Liêm Thủy với mô hình VACR nuôi lơn nái, lợn thịt cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm; hội viên Phan văn Hữu xã Văn Lang, thành lập HTX dược liệu với 13 thành viên mức thu nhập trên 08 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn liên kết với 87 hộ sản xuất dược liệu cho thu nhập ổn định; hội viên Bàn Hữu Thân – xã Trần Phú, thành lập HTX  trồng rau an toàn, tạo việc làm cho 12 hộ với 25 lao động luôn có mức thu nhập ổn định từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng.

Đồng chí Bàn Hữu Thân – Giám đốc HTX Bình Minh, xã Trần Phú, huyện Na Rì cho biết: “HTX thành lập nhằm giúp bà con có việc làm và có thu nhập ổn định hơn, góp phần để các thanh niên, bà con hạn chế đi làm ăn xa mà phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên, không thực hiện trồng ngô, lúa mà phát triển những cây chủ lực, sản xuất những sản phẩm bảo quản được lâu như Bí thơm, khoai tây, HTX sẽ mở rộng diện tích rau xanh các loại và kết nạp thêm nhiều thành viên HTX.”

Có thể nói, phong trào Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế của Hội Cựu chiến binh huyện Na Rì đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp hội viên nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Hội Cựu chiến binh huyện ngày càng khẳng định vai trò là tổ chức chính trị – xã hội nòng cốt trên trận tuyến mới. Tiếp nối và phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp của “Anh bộ đội Cụ Hồ”, dù ở thời kỳ nào, các Cựu chiến binh luôn là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, tiếp tục góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương./.

Ngọc Oánh