Hội CCB T.P Sông Công có trên 3.800 hội viên, sinh hoạt tại 21 cơ sở xã, phường. Hội duy trì 49 tổ tiết kiệm, vay vốn với trên 1.200 gia đình tham gia với nguồn vốn 35 tỷ đồng của Ngân hàng CSXH và 1,7 tỷ đồng quỹ nội bộ; giúp cho gia đình hội viên nghèo, cận nghèo, con hội viên là học sinh, sinh viên có điều kiện ổn định cuộc sống và tới trường học tập. Hội còn xây dựng được 10 CLB CQN với gần 1.100 hội viên tham gia tạo nên một “sân chơi” hữu ích trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, thoát nghèo. Thành hội có trên 100 mô hình trang trại, gia trại, kinh doanh tổng hợp, kinh tế vườn đồi; nhiều mô hình đạt doanh thu mỗi năm từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Sau 5 năm chiến đấu trên chiến trường chống Mỹ, năm 1977 CCB Nguyễn Ngọc Long ở tổ 4 Tân Sơn, phường Lương Sơn, T.P Sông Công chuyển ngành về Công ty Gang thép Thái Nguyên công tác rồi nghỉ hưu năm 2012, khởi nghiệp làm kinh tế. Ban đầu ông nuôi lợn nái và giun quế, nhưng thấy hiệu quả không cao liền chuyển sang mô hình trang trại tổng hợp. Trong khuôn viên cây xanh, cây ăn quả rộng gần 3.000m2, ông nuôi dúi, nhím, bồ câu, lợn, gà, thả cá, nuôi ba ba, lươn, trạch… thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.
Cũng ở phường Lương Sơn còn có CCB Nguyễn Văn Thiện, Tổ dân phố Trước. Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Chi hội CCB và CLB CQN, ông xây dựng trang trại, mỗi năm nuôi 3.000 con gà và vịt, đào 70m2 ao thả cá. Từ bước đột phá này, gia đình ông có thu nhập đáng kể và thoát nghèo. Sau đó được anh em CCB ủng hộ, ông vay ngân hàng 200 triệu đồng xây dựng trang trại nuôi lợn với quy mô 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái. Sau một năm gia đình ông thu về số tiền đủ trả nợ cho Ngân hàng và tích lũy sau này.
Kết quả làm kinh tế của Hội CCB tỉnh Thái Nguyên không những xóa nghèo, nâng cao đời sống cho hội viên mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trên quê hương cách mạng.
Xương Giang