Ý kiến của Hội CCB Thái Nguyên nêu ra nỗi đau thảm họa da cam 50 năm còn đó; nó không chỉ tác động đối với thế hệ những người trực tiếp chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ở Đoàn 559 mà còn đối với con cháu họ, những thế hệ thứ 2 thứ 3 hiện nay.

Đa số CCB cho rằng: Quyết định 09 của Bộ Y tế quy định các loại bệnh để làm tiêu chí xét duyệt người được hưởng chế độ da cam không thực tế, có những điểm phi lý. 16 loại bệnh mà Bộ Y tế đưa ra trong quyết định để xác định là nhiễm chất độc đi-ô-xin, các CCB đặt câu hỏi: Đã có bao nhiêu người không có mặt ở nơi Mỹ rải hoá chất đó mà vẫn mắc 16 loại bệnh đó, vì đi-ô-xin hay vì cái gì? Phải chăng bị nhiễm chất độc đi-ô-xin có vô vàn hiện tượng xuất hiện trong thân thể ngưòi bệnh mà Bộ Y tế chưa quan tâm, Bộ Y tế chưa thấy nỗi đau đang giày vò những CCB đã chiến đấu ở miền Nam, ở Đoàn 559 phải chịu đựng như thế nào.

Nhiều CCB nói, tất cả những người đã có mặt chiến đấu ở những vùng Mỹ rải chất đi-ô-xin đều bị nhiễm và đều là nạn nhân da cam. Có cái khác nhau là nó biểu hiện tác hại đến mức nào và nó huỷ hoại cơ thể họ và giống nòi của họ như thế nào mà thôi.

Thêm nữa, Bộ Y tế quy định phải có bệnh án từ tháng 2 năm 2008 về trước mới được xét duyệt. Nếu bệnh ung thư thì liệu được mấy người “may mắn” kịp nhận trợ cấp hay đã vội vàng sang “thế giới bên kia”? Bên cạnh đó, hiện nay, vấn đề giải quyết chế độ nạn nhân da cam còn rất nhiều bất cập: Còn rất nhiều người chiến đấu ở vùng có chất da cam trong thời điểm từ tháng 12-1961 cho đến tháng 4-1975, già yếu chưa được hưởng trợ cấp, chưa được gọi là nạn nhân da cam. Trong khi có những người khoẻ hơn thì lại được?

Theo ý kiến của CCB Tạ Chu thì vấn đề là ở chỗ phương thức xét duyệt như thế nào. Sự hạn chế hiểu biết về lịch sử, cộng với sự thiếu trách nhiệm, xem xét máy móc theo nguyên tắc khô cứng, không biết dựa vào quần chúng nhân dân ở trong xóm, bản, tổ dân cư. Ở đó, ai đi B, đi C mà nhân dân không biết? Còn chỉ dựa vào giấy xác nhận của đơn vị cũ thì đâu phải là đã chắc chắn!

Cũng theo ý kiến của đồng chí Tạ Chu thì thực tế có thủ trưởng mới từ nơi khác chuyển đến, chắc gì đã biết hết việc ai đã ở chiến trường vào thời điểm nào và cũng có đơn vị chiến đấu ở miền Nam, nhưng lúc đó không phải đơn vị không còn người ở miền Bắc. Vậy là cùng đơn vị, nhưng có người được phân công ở lại miền Bắc, mà không phải chuyển đơn vị. Ấy là chưa kể, trong hồ sơ của chiến sĩ chỉ được ghi toàn là ký hiệu, các đồng chí cán bộ làm chính sách chắc gì đã hiểu. Bởi vậy, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khoá XIII cần thật sự quan tâm vấn đề giải quyết chế độ nạn nhân da cam nhanh chóng đi vào lòng người.

Diệp Minh