Đó là thương binh nặng (mất sức lao động 82%) Hoàng Văn Tuyên, thành lập Công ty may Hoàng Tuyên, tại phường Quang Trung, TP. Phủ Lý và một Văn phòng đại diện tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, với 3.000m2 nhà xưởng, 170 máy móc thiết bị. Công ty liên kết với các đơn vị Tổng công ty 28, Tổng công ty May 20 (Tổng cục Hậu cần), Tổng công ty 26 (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty 19-5 (Bộ Công an)… Chuyên may trang phục, quân phục, tiêu binh, dân quân tự vệ, các thiết bị bảo hộ lao động… Tạo việc làm thường xuyên cho 200 lao động, lương bình quân từ 4,5-5 triệu đồng/tháng/người và 300 lao động vệ tinh. Ông tích cực hoạt động tình nghĩa, từ thiện như tạo việc làm, cho vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm, ủng hộ các hoạt động của địa phương… Năm 2015, CCB Hoàng Văn Tuyên ủng hộ huyện đảo Trường Sa 1.000 lá cờ Tổ quốc.
Làng Ngọc Động, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên có nghề đan mây tre truyền thống. Năm 2004, Công ty TNHH mây tre đan xuất khẩu Ngọc Động được thành lập, nay do CCB Nguyễn Xuân Mai làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Công ty không ngừng lớn mạnh với hàng trăm nghìn mẫu sản phẩm. Trong đó 99% sản phẩm xuất khẩu đi hơn 30 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật, Canađa…; doanh thu từ 3-4 triệu USD/năm; tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong tỉnh và các tỉnh, thành phố phía Bắc. Công ty còn đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, vật tư, nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ làm giống, trồng nấm, thu mua, chế biến sản phẩm. Trong thời gian thử nghiệm, Công ty tạo ra cơ cấu giống với 12 loại. Gồm giống nấm dược liệu cao cấp linh chi, nấm chân dài, nấm sò hương, nấm đùi gà, nấm chân châu, nấm mỡ, nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ... Với dây chuyền tự động đóng bịch trồng nấm, trong 10 giờ có thể cho ra 10.000 bịch. Trong một năm, công ty sản xuất khoảng 1,7 triệu bịch và thu về 700 tấn nấm.
CCB Đỗ Đại Vọng, chi hội 10, xã Bồ Đề, huyện Bình Lục. Hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội trở về, ông đấu thầu 14ha ruộng trũng (mỗi năm cấy được 1 vụ lúa) để xây dựng mô hình trang trại đa canh. Ông quy hoạch thành các khu cấy lúa 2 vụ, khu thả cá, nuôi thủy cầm, khu chăn nuôi với hệ thống đường đi, mương tưới, tiêu nước… Trên diện tích cấy lúa, ông ký hợp đồng sản xuất các giống lúa lai F1, lúa thuần, lúa thuần Sơn Lâm 1 cho các Công ty giống cây trồng TƯ, Hà Nam, Sơn Lâm (Hà Nội). Khu chăn nuôi rộng 600m2, hình thành 30 ô chuồng nuôi 70 con lợn nái, từ 400 đến 450 con lợn thịt. Năm 2015, các nguồn thu từ cấy lúa, cây ăn quả trên các đường đi, mương máng, thả cá, chăn nuôi đạt 710 triệu đồng. Trang trại tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động tại địa phương, gia đình ông có bát ăn bát để. CCB Đỗ Đại Vọng có điều kiện hoạt động tình nghĩa, từ thiện như hỗ trợ Hội CCB xã trong các hoạt động, giúp đỡ các hội viên và bà con cây, con giống cùng sản xuất…
Với chủ trương phát huy tiềm năng, thế mạnh của hội viên, 5 năm qua, Tỉnh hội Hà Nam xuất hiện hàng nghìn CCB làm kinh tế giỏi. Qua bình xét có 30 hội viên được UBND và Hội CCB tỉnh tặng Bằng khen, 132 hội viên được UBND các huyện và thành phố tặng Giấy khen. Hội CCB tỉnh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.
Xương Giang