Các tổ viên THT dâu tằm Liên Hà giúp nhau nhặt và bắt tằm lên né.

Tập trung phát huy vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã khẳng định hướng đi đúng đắn của huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Với “trụ cột” là khu vực kinh tế hợp tác, tính đến cuối năm 2019, toàn huyện Lâm Hà đã có 14/14 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Trong số 80 tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả có 35 tổ do hội viên CCB trong huyện làm chủ. Tại nhiều xã, mô hình THT của CCB được các đoàn thể và nhân dân học tập. Bằng những cách nghĩ, cách làm sáng tạo, các THT vừa góp phần phát huy vai trò của CCB đối với sự phát triển kinh tế của địa phương, vừa là nơi biến các chế độ, chính sách - nhất là chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng thành hiện thực.

Huyện Hội bám sát các chủ trương, chính sách của UBND huyện trong phát triển kinh tế, thông qua mô hình THT để tập hợp hội viên tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, kết hợp với tiềm năng sẵn có trong hội viên để tìm đầu ra cho nông sản, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Trong 3 năm qua, các THT của CCB được địa phương hỗ trợ nguồn vốn 1,3 tỷ đồng.

Nhờ vậy, huyện Hội có thêm nhiều mô hình THT hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi như: Mô hình trồng dâu, nuôi tằm của CCB xã Liên Hà; trồng mắc ca, trồng cây dược liệu ở Đông Thanh; sản xuất, thu mua và chế biến cà phê ở Phúc Thọ...

THT do CCB Nguyễn Đỗ Du - Phó chủ tịch Hội CCB xã Liên Hà đứng đầu là một điển hình trong giúp hội viên xóa đói, giảm nghèo. Năm 2017, cà phê rớt giá, nhiều gia đình CCB lao đao, ông Du đề xuất thành lập THT trồng dâu, nuôi tằm vừa giúp hội viên khó khăn tăng thu nhập vừa tận dụng sức lao động nhàn rỗi. Mỗi gia đình CCB tham gia THT được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng.

Nếu trước đây có câu “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, thì hiện nay nhờ sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, người nuôi tằm đã bớt nhọc nhằn hơn nhiều. Qua Trung tâm Khuyến nông huyện, ông Du được tư vấn mua giống tằm khỏe chống chịu tốt với điều kiện thời tiết. Trong 15 ngày nuôi mỗi lứa tằm thì có 5 ngày vất vả, còn lại cứ cho ăn đúng giờ là được. “Con tằm được nuôi trên sàn nhà, người nuôi chỉ cần cắt cành dâu về cho tằm ăn, không mất thêm công băm lá như tằm nuôi trên nong. Vì vậy, 1 lao động có thể tranh thủ làm công việc của 4 người trước đây. Ngoài ra, bà con vẫn lên rẫy trồng cà phê, mắc ca” - ông Du tâm sự.

Nhờ giống dâu siêu lá tạo nguồn thức ăn dồi dào cho tằm, các tổ viên nhập giống tằm “gối đầu” đợt trước cách đợt sau từ 5-7 ngày. Kén tằm được bán với giá 115 nghìn đồng/kg, cho thu nhập 15 triệu đồng/tháng/hộ. Đến nay, THT chỉ còn 1 thành viên chưa thoát nghèo do trong nhà có người ốm đau, bệnh tật. Quỹ THT có hơn 100 triệu đồng từ 85 triệu đồng được hỗ trợ ban đầu.

Được hỏi về lợi ích của các thành viên khi tham gia THT, CCB Nguyễn Đỗ Du cho biết: Ngoài việc được cung cấp nguồn giống tốt, hỗ trợ về kỹ thuật, THT còn tìm cơ sở thu mua kén có uy tín, đảm bảo đầu ra. Đặc biệt, hầu hết các gia đình đều neo người, những lúc đưa tằm lên né, thu hoạch kén cần nhiều lao động, các thành viên trong tổ tập trung hỗ trợ. Hoặc nhà nào thiếu lá dâu thì có thể lấy của những thành viên khác…

Ở xã Đông Thanh, Hội CCB có THT trồng mắc ca ra đời tháng 6-2017 với mục đích hỗ trợ hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm. Hiện nay, THT đã có trên 40 thành viên, với tổng diện tích khoảng 65ha trồng cà phê xen mắc ca hay trồng thuần mắc ca. Năm 2019, Trung tâm Nông nghiệp huyện hỗ trợ THT vay vốn với số tiền 60 triệu đồng. THT phối hợp với Hiệp hội mắc ca Việt Nam cung cấp nguồn giống cây và kiểm nghiệm chất lượng hạt mắc ca.

Ông Hoàng Văn Thông - Chủ tịch Hội CCB xã Đông Thanh phấn khởi cho chúng tôi biết: “Sắp tới, Hội CCB xã sẽ thành lập HTX với nhiều loại hình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản địa phương”.

Được sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các THT của  CCB huyện Lâm Hà đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đây vừa là mục tiêu, vừa là chính sách lớn của Đảng nhằm từng bước đưa đời sống của nhân dân nói chung, CCB và đối tượng chính sách nói riêng ngày càng no đủ.  

Hồ Thanh Hương