Ngày 30-12-2019 Ban Bí thư ra Quy định số 212-QĐ/TW, về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện (gọi tắt là Quy định 212). Theo quy định cơ cấu tổ chức Hội CCB tỉnh giảm xuống còn 2 hoặc 3 ban chuyên môn.

Ngay khi nhận được Quy định, Hội CCB Việt Nam có Hướng dẫn số 180/HD-CCB trong thực hiện Quy định 212; đồng thời quán triệt tới tất cả tỉnh Hội nghiêm túc tổ chức thực hiện. Và đến nay, CCB trong cả nước đã cơ bản xây dựng xong phương án rút gọn và thực hiện phương án sắp xếp biên chế, cơ cấu lãnh đạo, vị trí việc làm theo các văn bản quy định và hướng dẫn của UBND tỉnh.

Tuy nhiên quá trình tổ chức thực hiện đã nảy sinh nhiều điểm “nghẽn” trong thực hiện. Mỗi ban có yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau, nên ngay đặt tên mới cho “ban ghép” cũng đã khó; nhiệm vụ của mỗi ban lại càng khó. Đặc biệt, việc dồn nhiều ban cũ thành “Phong trào - Văn phòng” là chưa hợp lý, vì tính chất nhiệm vụ của mỗi bộ phận là khác nhau.

“Phong trào” chính là công tác Tuyên giáo - một trong những ban có nhiệm vụ rất quan trọng của Hội CCB, là tuyên truyền, giáo dục đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước; tuyên truyền, vận động hội viên CCB, quần chúng tham gia nhiều phong trào của địa phương nói chung, của Hội CCB nói riêng trong rất nhiều nội dung như: An ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, môi trường, xóa đói, giảm nghèo... Việc ghép ban Phong trào với ban khác chưa khẳng định thế mạnh của công tác tư tưởng của Hội.

Đồng chí Phạm Văn Vui - chuyên viên ban Phong trào - Văn phòng, Hội CCB tỉnh Quảng Bình cho biết: “Từ khi sáp nhập ban mới, tôi được giao làm công tác tuyên giáo. Khối lượng công việc rất nhiều mà chỉ có một mình. Hằng tháng, cùng với việc theo dõi các phong trào của Hội, các phong trào phối hợp với các đoàn thể khác, công tác thi đua - khen thưởng, tôi còn làm bản tin tháng và phối hợp làm phóng sự truyền hình chuyên đề về CCB”.

Chính vì thế mà đến nay việc đặt tên gọi cho các ban cũng chưa thống nhất, chưa phù hợp với điều kiện, đặc điểm tổ chức Hội. Do đó, việc xây dựng và ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách ở mỗi nơi một khác, không thống nhất do điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương. Ví dụ như Hội CCB tỉnh Lào Cai đề xuất phương án Ban Tổ chức - Kiểm tra chủ trì triển khai Chương trình phối hợp “Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc và an toàn giao thông” - một nội dung thuộc công tác tuyên giáo.

“Theo tôi, cơ quan tỉnh Hội giảm xuống còn 3 ban là hợp lý, bao gồm: Ban Phong trào, Tổ chức - Kiểm tra và Văn phòng. Hiện nay, Hội CCB tỉnh Nghệ An đang áp dụng mô hình này. Về tên gọi, tôi đề xuất đổi tên Ban Phong trào thành Ban Tuyên giáo, vì Tuyên giáo là tuyên truyền và giáo dục, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội ta” - đồng chí Hoàng Văn Thanh - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Trị đề xuất.

Theo Quy định 212, về biên chế cơ quan Hội CCB có cơ cấu tối thiểu 2/3 là CCB đã nghỉ hưu đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo Hội, lãnh đạo văn phòng và các ban. Nhưng khi thực hiện sắp xếp lại thì không đảm bảo được yêu cầu trên. Như Hội CCB tỉnh Lai Châu, hiện nay cơ quan có 12 cán bộ, trong đó có 3 đồng chí lãnh đạo (1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch) là CCB đã nghỉ hưu; 3 đồng chí công chức là CCB; 6 chuyên viên còn lại không phải là CCB.

Xuất phát từ những khó khăn trên trong tổ chức thực hiện, CCB tại nhiều tỉnh, thành Hội đề nghị Trung ương Hội CCB Việt Nam kiến nghị Ban Bí thư có quy định riêng phù hợp với đặc thù hoạt động của Hội cũng như đối tượng tham gia công tác Hội.

Việc tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ là mục tiêu Quy định 212 đề ra. Vì vậy để thống nhất trong công tác tổ chức rất cần điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn tới các tổ chức Hội có đặc thù như Hội CCB.

HỒ THANH HƯƠNG