Trên cơ sở kế thừa những yếu tố hợp lý cả về nội dung và kỹ thuật hiến định trong các bản Hiến pháp trước đó, các quy định về quốc phòng, an ninh trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, so với các quy định về quốc phòng, an ninh trong Hiến pháp năm 1992 đã có chất lượng mới cả về nội dung và kỹ thuật hiến định.
Thông qua các quy định tại Điều 1, Điều 11, Điều 76, Điều 77..., tập trung nhất là tại các điều từ Điều 69 đến Điều 73 của Chương IV: “Bảo vệ Tổ quốc” trong Dự thảo sửa đổi cho thấy: Nội dung hiến định về quốc phòng, an ninh, về cơ bản đã thể chế hóa kịp thời đường lối, chính sách lớn của Đảng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; ghi nhận những kết quả đạt được về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc sau hơn 25 năm đổi mới đất nước, do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Có thể nêu sự khác biệt về chất so với Hiến pháp năm 1992 là Dự thảo sửa đổi lần này trong nội dung một số điều quy định đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm pháp lý của chủ thể được hiến định. Đó là khẳng định Quân đội nhân dân là lực lượng chính, giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng (Điều 71); thay cụm từ “Nhà nước xây dựng quân đội” và “Nhà nước xây dựng Công an” bằng cụm từ “Quân đội nhân dân cách mạng được xây dựng...” và “Công an nhân dân cách mạng được xây dựng...”, thể hiện rõ vấn đề: Quân đội và Công an được xây dựng “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” không chỉ bởi Nhà nước mà còn bởi chính bản thân Quân đội và Công an (Điều 71 và Điều72).
Các quy định về quốc phòng, an ninh trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về tổng thể đã được trình bày lại dưới dạng là những nguyên tắc, những định nghĩa khái quát khoa học, có tính pháp lý cao. Vì vậy, đã khắc phục được căn bản lối diễn đạt liệt kê, rườm rà, thiếu chặt chẽ, tường minh trong một số quy định về quốc phòng, an ninh của Hiến pháp năm 1992.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu kỹ từng điều quy định về quốc phòng, an ninh trong bản Dự thảo cho thấy, về kết cấu lô-gíc của tư tưởng, về sử dụng mệnh đề, thuật ngữ cũng cần có sự trao đổi, kiến nghị Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xem xét nhằm tiếp tục hoàn thiện chất lượng hiến định về quốc phòng, an ninh.
Trước hết là nghiên cứu, sửa chữa đảm bảo kết cấu lô-gíc của nội dung trong một số điều quy định.
Tại Điều 69, câu mở đầu: "Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân”, theo ý kiến của nhiều nhà khoa học nghiên cứu về quốc phòng, an ninh, có thể hiểu mệnh đề này gồm có 2 chủ đề "bảo vệ Tổ quốc" và "giữ vững an ninh quốc gia", chí ít thì cũng là một chủ đề kép gồm 2 mặt có vị trí và tầm quan trọng ngang nhau. Nhưng thực chất đó phải là một chủ đề "bảo vệ Tổ quốc". “An ninh quốc gia” chỉ là trạng thái đạt được của các hoạt động bảo vệ Tổ quốc đem lại, là một nội dung của bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nếu đặt cụm từ "giữ vững an ninh quốc gia" sau cụm từ "bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", gây ấn tượng "an ninh quốc gia" là một cái gì đứng ngoài và đứng ngang với "bảo vệ Tổ quốc" là không chuẩn xác. Mặt khác, khi nói "bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân" thì đúng, nhưng "giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân" là không đủ tính pháp lý. Vì "an ninh quốc gia" có được giữ vững hay không phần lớn là do phẩm chất và năng lực của bộ máy Nhà nước quyết định. Nếu trong bộ máy Nhà nước, các tệ nạn nảy sinh như quan liêu, tham nhũng không được phòng, chống có hiệu quả, các chính sách ban hành và triển khai thực hiện không thấu tình đạt lý, gây nên phản ứng rộng rãi, suy thoái kinh tế kéo dài dẫn đến khủng hoảng chính trị - xã hội... thì nhân dân dù có cố gắng đến đâu cũng không giữ vững được nền an ninh quốc gia. Câu tiếp theo của Điều 69: "Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân", là đã ghi vào Hiến pháp 2 "nền" của hai ngành, không thừa nhận quốc phòng là phòng thủ toàn diện, an ninh chỉ là trạng thái của đất nước do phòng thủ toàn diện mà giữ được. Tức là đã thừa nhận quốc phòng và an ninh là hai mặt khác nhau của bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi cho rằng, xác định ta có 2 “nền” là: "Quốc phòng toàn dân" và "An ninh nhân dân" là chưa thật chuẩn xác, vì nhân dân và Đảng chỉ có một. Nếu hiểu quốc phòng toàn dân, toàn diện thì đã đem lại kết quả "an ninh" về mọi mặt, nhằm bảo vệ Tổ quốc. Với sự luận giải như vậy, xin đề nghị trình bày Điều 69 như sau:
“Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý của toàn dân.
Nhà nước xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, giữ vững an ninh về mọi mặt nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, góp phần giữ vững hòa bình ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh theo luật định”.
Mặt khác, cũng cần phải giảm thiểu những từ ngữ thừa không cần thiết. Thí dụ tại Điều 69, chủ đề của Hiến pháp đã viết là "Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" thì trong nội dung của Điều này cũng như trong nội dung của các điều quy định khác, không cần nhắc lại tên của nước ta. Điều 70, trong nội dung hiến định, không cần thiết phải đưa bảo vệ Tổ quốc gồm những gì theo các văn bản nghị quyết của Đảng (độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa). Việc kể ra rất nhiều và rất dài cũng không thuộc phạm vi và lối diễn đạt, hành văn của Hiến pháp. Các nội dung đó, cứ mỗi kỳ Đại hội Đảng lại viết khác nhau và trong mỗi nhiệm kỳ cũng có sự thay đổi. Hiến pháp chỉ cần viết nội dung bao trùm, ổn định "Tổ quốc xã hội chủ nghĩa" là đủ cả Tổ quốc và chế độ, còn chi tiết nên dành cho các ngành luật cụ thể và các văn kiện khác. Tôi cũng kiến nghị rút cụm từ “cách mạng” trong Điều 71 và Điều 72 khi diễn đạt các mệnh đề: “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng...” và “Nhà nước xây dựng công an nhân dân cách mạng...”. Bởi vì: Quân đội nhân dân, cũng như Công an nhân dân đều mang bản chất giai cấp công nhân, có tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Vì thế, tự “bản chất” đã mang trong lòng nó nội dung “cách mạng”.
Đề nghị thay từ "sự nghiệp" viết ở câu đầu của Điều 69 bằng từ “nghĩa vụ” (đã đề nghị sửa ở trên). Bởi từ “sự nghiệp” có nghĩa là “những công việc to lớn có lợi ích chung và lâu dài cho toàn xã hội”, đó là một hoài bão để phấn đấu, có thể hoàn thành, cũng có thể không hoàn thành do những điều kiện nhất định. Mặt khác "sự nghiệp" còn mang hàm ý tự nguyện, tự giác phấn đấu, nếu hoàn thành được là vẻ vang, nhưng nếu không “thành công thì cũng thành nhân”. Với nghĩa đó, sử dụng từ “sự nghiệp” đối với bảo vệ Tổ quốc, sẽ làm hạn chế tính pháp lý cao của quy định Hiến pháp. Đối với bảo vệ Tổ quốc thì mỗi công dân không thể như thế. Đó là nghĩa vụ phải hoàn thành. Như vậy, nếu thay từ “sự nghiệp” bằng từ “nghĩa vụ” sẽ thỏa mãn yêu cầu pháp lý cao của quy định Hiến pháp là xác định rõ những quy tắc căn bản về các mối quan hệ cơ bản giữa Nhà nước với công dân.
Trong quy định tại Điều 73, cũng nên nghiên cứu thay mệnh đề: “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân” bằng một mệnh đề khác hợp lý hơn, bởi 2 lý do: Một là, Nhà nước không phải là các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện chức năng giáo dục "chủ nghĩa anh hùng cách mạng" cho nhân dân; hai là, cho rằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng là cái đã có sẵn trong nhân dân cần phải phát huy, thì cũng chỉ là cách hiểu thể hiện ở hành văn mang tính ước lệ chứ ít có tính pháp lý cao, vì khái niệm "nhân dân" được hiến định trong các quy định của Hiến pháp cần phải được nhận thức theo đúng nghĩa luật pháp, bao gồm cả những công dân tốt, những công dân bình thường và những công dân lạc hậu chưa mất quyền công dân. Vì vậy, trong nội dung hiến định tại Điều 73, nên thay cụm từ “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” bằng cụm từ "truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc", là cái đã được kết tinh, định hình đậm nét trong suốt chiều sâu dựng nước và giữ nước của lịch sử dân tộc thì sẽ phù hợp hơn, thuyết phục hơn.
Theo QĐND
(TH)