
Phát hiện này nằm trong số 10 phát hiện khoa học hàng đầu của năm, bao gồm từ các phát hiện về khoa học vũ trụ đến di truyền học. Các hóa thạch đầu tiên của loài sinh vật giống người được gọi là *Ardipithecus ramidus *được khai quật vào năm 1994. Các nhà khoa học đã ngay lập tức nhận ra được tầm quan trọng của chúng. Nhưng do điều kiện rất tồi của các xương hóa thạch nên các nhà nghiên cứu đã phải mất tới 15 năm mới đào bới và phân tích được chúng.
Thứ quan trọng nhất hiện ra từ cuộc khai quật này là một khung xương chậu của một con cái, hiện được các nhà khoa học đặt tên là "Ardi". Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã công bố bộ xương này trong một loạt các bài báo khoa học được xuất bản trên tờ tạp chí Khoa học tháng 10 vừa qua. Sự nghiên cứu kỹ lưỡng về hộp sọ, răng, khung xương chậu, tay và chân của hóa thạch đã giúp các nhà khoa học đi đến kết luận, Ardi đã mang trong mình sự pha trộn của các nét đặc điểm "nguyên thủy" được di truyền từ tổ tiên của nó và những đặc điểm "chuyển hóa" mà nó di truyền lại cho các thế hệ sau này: các sinh vật giống người. Nó cũng mang trong mình một số những đặc tính của loài người. Một trong những kết luận quan trọng của nhóm nghiên cứu là Ardi đã bước đi thẳng đứng. Điều này dựa trên việc lắp ráp lại cẩn thận bộ khung xương chậu đã bị hủy hoại trầm trọng của nó. Theo các nhà khoa học, khung xương này có hình dáng cho phép Ardi cân bằng được trên một chân tại một thời điểm. Quỳnh Anh (TH)