Thông qua tọa đàm, mỗi hội viên CCB càng thấy vinh dự được là người tham gia kháng chiến được các cấp bộ Đảng, chính quyền tin tưởng, càng thấy trách nhiệm phải phát huy truyền thống “Vì nhân dân quên mình” của Bộ đội Cụ Hồ để gương mẫu đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quê hương. Cuộc tọa đàm đã bật lên các vấn đề bức thiết:
1- CCB cần giúp nhau làm ăn giỏi, ổn định kinh tế và hạnh phúc gia đình. Vấn đề này đã được “mổ sẻ” kỹ từ nhiều góc độ. Có người cầm bọc tiền từ đền bù giải toả mặt bằng mà lo sự tái nghèo bởi lúng túng không biết làm gì, đã có nhiều người cụt vốn do làm ăn kiểu chạy theo phong trào, lại thiếu kiến thức thị trường nên nơm nớp lo sợ “cầm vàng còn sợ vàng rơi”. Bà con rất tâm đắc với ý kiến “xoá đói giảm nghèo cơ bản và chắc chắn nhất là đầu tư cho con cháu ăn học”. Phần lớn CCB đã xác định phải tháo bỏ tâm lý tự ti lẫn tự mãn, sẵn sàng học trẻ hỏi già, sẵn sàng làm mọi việc có ích cho xã hội để có thu nhập cơ bản cho bản thân. Kiến thức và kinh nghiệm trong kháng chiến là vô cùng quý báu, nhưng không thể thay thế cho kỹ thuật sản xuất. Đi tắt đón đầu bằng cách vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đối xử với khoa học kỹ thuật trước hết phải có kiến thức, không thể “dũng cảm” kiểu liều mạng. Bài học “đánh chắc thắng” vẫn còn nguyên giá trị.
2- Tiết kiệm là quốc sách với cả nhà giàu, nhà nghèo và ở mọi thời kỳ. Nhưng cần hiểu tiết kiệm không đồng nhất với hà tiện. Trong quá trình đầu tư cho kiến thức phải dám chi dù đối đầu với khó khăn trước mắt để làm chủ tương lai. Tiết kiệm lớn nhất là không để thất bại. Lãi lớn nhất là con đường mới đã mở ra trước mắt.
3- Hội viên CCB thường là chủ gia đình, vì thế phải công bằng và mô phạm từ việc làm tới lời nói. Đức tính trung thực, giản dị, gương mẫu, khiêm tốn đã làm nên truyền thống “đi dân nhớ, ở dân thương” của Bộ đội Cụ Hồ trước đây, lại đang làm nên cốt cách đại lượng, cởi mở, gần gũi, thân mật trong quan hệ ở khu dân cư của CCB. Có ý kiến, trong CCB có nhiều người “làm to”, có công lớn, nhưng không có người hách dịch, gia trưởng. Trong phong trào “5 không”, các gia đình CCB là điểm sáng tự nhiên, cứ như đã được “miễn dịch” với “tiêu cực” là hy vọng của địa phương.
4- Có những vấn đề gai góc, nhạy cảm phát sinh thời cơ chế thị trường đã không bị né tránh, trong tọa đàm, thông qua cách lý giải đậm chất lính đã được tháo gỡ nhẹ nhàng mà sâu sắc. Trong khi làm xoá đói giảm nghèo phải công tâm, hiểu rõ mỗi hoàn cảnh, trong đó nhiều người nghèo do tai nạn hoặc hậu họa chiến tranh. Làm giàu nhưng phải đẹp trong con mắt làng xóm. Thương con kiểu cho roi đã quá lạc hậu, thương con kiểu cho tiền tuỳ tiện còn chuốc lấy tai ương. Yêu con bằng cách thổi vào hồn con trẻ khát vọng kiến thức và khép con trẻ vào kỷ luật tự giác. Quân đội mạnh nhờ kỷ luật nghiêm minh, có thể áp dụng vào đời thường, gia đình vững mạnh nhờ gia phong nền nếp. Bạo lực gia đình không chỉ là vi phạm thân thể, còn là “khủng bố” tinh thần và cưỡng bức sinh lý. Hiện tượng một CCB vác tới bốn “tù và hàng tổng” vừa nói lên CCB có tín nhiệm cao trong bà con lối xóm, vừa đặt ra yêu cầu phải bồi dưỡng lớp trẻ thay thế. Phải chú ý vận động dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt, bởi những người “xé rào” có nhiều “lý do lý trấu”. Tâm lý “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu bám rễ vào gia đình không chỉ từ lễ giáo phong kiến, mà còn từ thực tại vẫn đang thiên lệch: Chủ gia đình sao vẫn chỉ đàn ông, đại diện gia đình đi họp hoặc dự hiếu hỉ sao chủ yếu vẫn là đàn ông, cán bộ các cấp sao chủ yếu vẫn là đàn ông?.... Những người hiểu và đối xử công bằng “con nào cũng là con” trong thực tế lại thường được an phận tuổi già, còn những người “cố đấm ăn xôi” thường xôi lại hẩm. Những nghịch lý ấy từ làng xóm được nêu lên làm bài học có sức thuyết phục tự nhiên...
Cuộc tọa đàm còn làm sống lại những kỷ niệm kháng chiến, kéo mọi người thêm gần gũi quý thương nhau. Đây là hình thức thật đặc hiệu.
HOÀNG QUANG XÂY