Trưởng công an xã bản Phố, ông Lý Sao Plấu, cho biết người H'Mông có tục kéo vợ từ lâu đời, sau 3 ngày tìm hiểu nếu hợp thì chàng trai về báo cáo bố mẹ đem lễ sang nhà gái xin cưới. Nhưng cứ sau 3-4 ngày thì các gia đình lên trình báo con gái họ mất tích. "Chúng tôi đã huy động lực lượng và phối hợp với cơ quan chức năng tích cực tìm kiếm nhưng không có kết quả. Thông tin về gia đình nhà trai đến hỏi cưới cũng bặt vô âm tín…”, ông Plấu kể.

Riêng từ đầu năm 2010 đến nay, bản Phố có hơn 30 người bị dụ dỗ hoặc nghi bị lừa bán sang Trung Quốc. Các cô gái này được đưa lên Mường Khương, biên giới Xín Mần, tỉnh Hà Giang, cửa khẩu Phố Tèo, TP Lào Cai… để sang Trung Quốc bán cho bọn môi giới mại dâm. Thường thì giá của mỗi người được định khoảng 10-15 triệu đồng. Những cô gái xinh xắn sẽ được bán với giá cao hơn.

Tuy nhiên, một điều lạ là mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền người dân cảnh giác với những lời dụ dỗ, thủ đoạn của kẻ xấu, nhưng năm nào cũng có phụ nữ mất tích, có tháng đến 5 cô gái bản Phố mất tích.

Tội phạm thường lợi dụng lúc các cô gái đi làm nương, đi hội, hoặc đi chợ Bắc Hà, Cán Cấu, Lùng Phình, Cốc Ly… để thực hiện âm mưu. Cứ gặp phụ nữ có nhan sắc là chúng gạ gẫm, tung ra những lời ngọt ngào về cuộc sống sung túc ở bên kia biên giới.

Nhiều khi chúng bỏ công tìm hiểu về những phụ nữ có mâu thuẫn với chồng, rồi tìm cách đánh vào tâm lý, làm cho họ xiêu lòng và tự nguyện đi theo. Cũng có không ít phụ nữ ở độ tuổi 24-28 chưa có chồng, bị chê cười là ế nên đã bị dụ dỗ vượt biên sang Trung Quốc, lấy được chồng vừa tử tế, vừa giàu có.

Với các cô gái được ví như “hoa rừng miền sơn cước”, tội phạm thuê những người môi giới đóng làm bà mai, bà mối để lừa lọc. Chúng còn vờ tổ chức cưới xin hẳn hoi khiến nhiều gia đình nhẹ dạ mắc mưu.

Gia đình ông Ma Seo Dín, có cô con gái Ma Thì Dở, sinh năm 1982, bị dụ dỗ bắt đi, đến nay vẫn chưa có tin tức gì. Theo ông Dín, năm 2007, con gái ông đi chợ, có thanh niên bảo chị lên xe ôm, chở về cho đỡ mỏi chân. Do nhẹ dạ nghe theo, chị bị họ chở đi mất. Hai người con của chị Dở giờ không có mẹ chăm sóc.

“Năm đó, mấy đứa nhỏ cứ khóc đòi mẹ, bỏ ăn, bỏ học. Trong xóm nhỏ này, nhiều đứa trẻ bị mất mẹ, tội lắm. Chẳng ai biết cái thiên đường kia có thật không, có lấy được chồng giàu không. Cũng không biết những người đã bị đưa sang đó còn sống hay đã chết”, ông Dín xót xa.

Trong số gần 100 phụ nữ mất tích ở bản Phố từ năm 2008 đến nay có hơn một nửa là người mù chữ hoặc chỉ dừng lại ở cấp tiểu học. Họ chủ yếu làm ruộng. Những khó khăn trong cuộc sống, hạn chế về trình độ nhận thức đã “đẩy” họ trở thành “miếng mồi” ngon cho những kẻ buôn người. Trong số họ, người trở về đếm trên đầu ngón tay và ai về cũng trong tình trạng sức khỏe suy kiệt.

Quỳnh Anh (TH)