Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp khó trước khủng hoảng chính trị tại Pháp và Đức.
Tình hình bất ổn tại Đức và Pháp - hai đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) đang đe dọa làm lung lay cả nền tảng kinh tế và vị thế quốc tế của tổ chức này.
Tại Pháp, chiến thắng của đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu làm xói mòn uy tín đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron, khiến ông đưa ra quyết định giải tán Quốc hội, tổ chức bầu cử sớm. Với quyết định vội vã này của ông Macron, chính trường Pháp đã lún sâu vào khủng hoảng với một quốc hội “treo”; nền kinh tế tiếp tục ngụp lặn trong khó khăn chồng chất, với mức thâm hụt ngân sách và nợ công cao kỷ lục. Chỉ trong năm 2024, nước Pháp đã phải thay đến 4 Thủ tướng và việc đưa nền chính trị Pháp vào quỹ đạo ổn định dường như vẫn xa vời.
Tại Đức, Chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz cũng sụp đổ, dẫn đến việc tổ chức bầu cử sớm vào tháng 2-2025 và Chính phủ mới chỉ có thể nhậm chức vào tháng 6. Trong khi đó, cuộc xung đột Ukraine tiếp tục làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư; công nghiệp Đức chưa kịp phục hồi sau khi mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga; ngành sản xuất ô tô - mũi nhọn của kinh tế Đức tiếp tục vật lộn trong lĩnh vực xe điện và mất thế thượng phong vào tay các đối thủ cạnh tranh đáng gờm đến từ Mỹ, Trung Quốc.
Khủng hoảng tại Pháp và Đức cùng sự suy giảm sức ảnh hưởng của hai đầu tàu chủ yếu này của EU xảy ra vào thời điểm nhạy cảm, khi EU đang phải đối mặt với những thách thức to lớn nhất từ hàng chục năm. Trước hết, cuộc xung đột Ukraine đã bước sang thời kỳ chiến tranh tiêu hao, khi những khối viện trợ vũ khí, quân sự khổng lồ của Mỹ và EU dồn cho Ukraine như muối bỏ biển mà quân đội Ukraine vẫn chịu hàng loạt thất bại và để mất đến 20% lãnh thổ. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự đảo ngược trong thái độ đối với vấn đề Ukraine, khi nhiều người dân châu Âu bày tỏ sự bi quan và mệt mỏi về cuộc xung đột. Tại những nước như Ba Lan, Bulgary… vốn từng bày tỏ “sự đoàn kết phi thường” với Ukraine hồi đầu cuộc chiến, nay tinh thần người dân giao động, thậm chí nhiều người tỏ ra khó chịu khi gánh nặng “san cơm sẻ áo” với người tị nạn Ukraine chưa biết bao giờ mới trút bỏ được, trong lúc thị trường nội địa thì tràn ngập ngũ cốc giá rẻ và các sản phẩm miễn thuế từ Ukraine, đẩy nông nghiệp, nông dân địa phương và các ngành sản xuất trong hàng loạt nước rơi vào thế khó...
Đặc biệt, việc ứng cử viên Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng khiến châu Âu - dù có tính đến tình huống này, vẫn không tránh khỏi chao đảo, lo lắng. Chưa nhậm chức, nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ - Donald Trump không ngại ngần hé lộ ý định khơi mào một cuộc chiến thương mại ngay với chính các đồng minh châu Âu, trong đó Mỹ có thể áp thuế 20% cho tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ EU như một biện pháp giúp Washington cắt giảm thâm hụt thương mại. Các nước EU sẽ phải “cắn răng” tăng nhập khẩu dầu và khí đốt giá cao của Washington, nếu không muốn đối mặt với mức thuế ngất ngưởng cho hàng hóa EU xuất khẩu sang Mỹ. Ông Trump cũng từng cảnh báo sẽ rút khỏi các cam kết của Khối quân sự NATO và thay đổi cơ bản sự ủng hộ dành cho Ukraine. Trong khi, EU lại đang đối mặt với yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 500 tỷ Euro trong thập kỷ tới để đáp ứng các nghĩa vụ NATO hay hỗ trợ Ukraine. Yêu cầu này sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự tham gia tích cực của Pháp và Đức, hai quốc gia thành viên lớn nhất khối đang chìm trong khủng hoảng.
Có thể nói, EU bước vào năm 2025 với một loạt những bất ổn chưa có hồi kết. Các cuộc đàm phán chính trị sắp tới ở Paris và Berlin không chỉ quyết định sự nghiệp chính trị của ông Macron và ông Scholz, mà sẽ quyết định liệu Pháp và Đức có thể phục hồi vai trò lãnh đạo hay không, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ đạo kinh tế và vị thế chiến lược của cả liên minh. Trong khi đó, quyết định mở rộng EU sẽ đặt ra bài toán lớn về khả năng đoàn kết nội bộ và duy trì vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Trong những tháng tới, mỗi quyết định chính trị đều có thể tạo nên sự thay đổi lớn cho tương lai lục địa này. Rõ ràng, chỉ khi phục hồi sức mạnh kinh tế, củng cố nội lực, đoàn kết nội bộ, châu Âu mới có thể khôi phục uy tín, vị thế và tiếng nói trong các vấn đề quốc tế.
Đăng Song