Triển lãm tập trung giới thiệu các tư liệu giai đoạn từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, là thời kỳ Việt Nam khẳng định và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa, Trường Sa và Bản đồ hành chính Việt Nam vừa mới ban hành.

Tổng số bản đồ và tư liệu trưng bày gồm 58 bản đồ, 33 tư liệu, 31 sách và bài dự thi viết về Hoàng Sa, Trường Sa, 100 bức ảnh về các đoàn công tác của thành phố Hà Nội ra thăm quần đảo Trường Sa và cuộc sống của quân, dân trên đảo.

Nhóm bản đồ và tư liệu được chia thành 4 mảng nội dung gồm hệ thống tư liệu và bản đồ Việt Nam; bản đồ của Trung Quốc, khẳng định ranh giới cực Nam của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam; bản đồ của các nước phương Tây thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam, nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam; các tư liệu về Hoàng Sa, bao gồm các hình ảnh hiện diện thường xuyên của quân lực Việt Nam tại các quần đảo và vùng biển phụ cận, những văn bản, chính sách, hoạt động kinh tế, khoa học, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết triển lãm là dịp để tuyên truyền sâu rộng trong đông đảo người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời qua đó khơi gợi hơn nữa lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước trong các tầng lớp nhân dân.

Triển lãm cũng cho thấy công tác thu thập, sưu tầm, nghiên cứu tư liệu, chứng cứ nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đã được tiến hành từ lâu, liên tục và cẩn trọng./.

TH