Đợt tổng vệ sinh tiêu độc này được đặc biệt chú trọng thực hiện ở các vùng nguy cơ cao như: các ổ dịch cũ , các địa điểm kinh doanh buôn bán giết mổ, các chợ, các nơi thu gom chất thải. Đối với các thôn đã có dịch tai xanh,việc tổng vệ sinh được thực hiện ngày 1 lần, thực hiện trong 7 – 10 ngày liên tục. Các xã tiếp giáp xã đang có dịch tai xanh, vệ sinh tiêu độc 2 ngày 1 lần.
Ngoài ra, để hạn chế việc lay lan dịch lợn tai xanh trên địa bàn, ngành NN&PTNT Hà Nội cũng phối hợp với các ngành liên quan, các cấp chính quyền tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc; Duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục của các đội kiểm tra cơ động, đội kiểm tra liên ngành; đối với các chốt kiểm dịch động vật. Trong đó, các chốt đầu mối giao thông từ các tỉnh vào thành phố đều duy trì hoạt động 24/24 giờ hàng ngày và thực hiện việc kiểm tra xử lý kiên quyết, đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc hoặc không có đủ giấy chứng nhận kiểm dịch .
Đến thời điểm này, tại Hà Nội, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện ở 6 xã thuộc huyện Gia Lâm và Phú Xuyên với tổng số gần 2.000 con lợn bị mắc bệnh. Theo nhận định của Chi cục Thú y Hà Nội: Hiện dịch lợn tai xanh trên địa bàn đang có biểu hiện dừng lại và không tiếp tục lây lan . Song, nguy cơ dịch lây lan, bùng phát vẫn rất cao vì Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm thuộc diện lớn nhất cả nước với gần 1,7 triệu con lợn và hơn 16.000 gia cầm. Chăn nuôi nhỏ lẻ ở các huyện ngoại thành còn chiếm trên 60%.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã có công văn cho phép Sở NN&PTNT Hà Nộị căn cứ tình hình thực tế, đề xuất việc bổ sung lực lượng kiểm tra, lập thêm một số chốt quan trọng nhằm kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào thành phố và từ địa phương này sang địa phương khác trong địa bàn thành phố .

Cao Thúy