Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng; đặc biệt là Hà Nội mùa Thu tháng Mười cách đây tròn 70 năm là mạch nguồn gợi cảm hứng của biết bao vần thơ, nốt nhạc. Trong rất nhiều thi - nhạc phẩm viết về ngày Gải phóng Thủ đô làm lay động hàng triệu con tim, nhiều người ấn tượng mạnh bởi hai ca khúc, hai tuyệt phẩm “Tiến về Hà Nội”“Cảm xúc Tháng Mười” mang hai sắc thái cảm xúc gần như “ngược chiều” về thời gian, là Dự cảmHoài cảm.

“Tiến về Hà Nội” - một Dự cảm kỳ tài!

Phải khẳng định, nếu không tìm hiểu bối cảnh ra đời, mà đặt ca khúc “Tiến về Hà Nội” của cố Nhạc sĩ, Thi sĩ, Họa sĩ… tài danh Văn Cao cạnh những hình ảnh, phim tư liệu về ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, ai cũng dễ tin ca khúc là sự tái hiện Hà Nội trong ngày “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về… Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”. Ai cũng nghĩ ca khúc được viết sau khi Nhạc sĩ Văn Cao chứng kiến sáng ngày 10-10 năm ấy, từ năm cửa ô, quân ta bừng bừng khí thế tiến vào tiếp quản Thủ đô.

Cho đến bây giờ, nhiều người trong chúng ta đều biết, ca khúc “Tiến về Hà Nội” được Nhạc sĩ Văn Cao viết vào mùa xuân năm 1949. Qua các tư liệu lịch sử và hồi ức của Nhạc sĩ, thì: Vào cuối năm 1948, từ cơ quan Văn nghệ kháng chiến ở Việt Bắc, Nhạc sĩ Văn Cao được trên điều về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Đi cả tháng trời mới về tới Chợ Đại, Ưng Hòa, Hà Tây (khi đó được xem là “thủ phủ” của lực lượng Văn nghệ kháng chiến miền Bắc). Sau khi về Chợ Đại, trong một cuộc họp chi bộ ở Liên khu 3 vào cuối năm 1948, nhạc sĩ có hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến, Lê Quang Đạo là cán bộ lãnh đạo Liên khu lúc đó, rằng ông sẽ viết một ca khúc về Hà Nội; và đồng chí Lê Quang Đạo đã động viên ông: “Nếu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng, vừa trữ tình!”.

Thực hiện lời hứa với cấp trên, khởi nguồn từ tình cảm sâu nặng với Hà Nội và niềm tin mãnh liệt một ngày không xa đoàn quân chiến thắng của ta sẽ tiến về tiếp quản Thủ đô, sau đó hai tuần, Nhạc sĩ Văn Cao đã viết xong ca khúc “Tiến về Hà Nội”.

Trong bối cảnh cuộc kháng chiến đang ở vào kỳ “cầm cự” hết sức gay go ác liệt, nhưng với niềm lạc quan cách mạng cao độ về ngày toàn thắng, với tình cảm máu thịt với Thủ đô đang còn trong vòng kiềm tỏa của quân thù, đã giúp Nhạc sĩ có được Dự cảm tài tình về Hà Nội trong ngày khải hoàn ca.

Mang tính dự cảm - dự báo, nhưng ca từ của “Tiến về Hà Nội”đã mô tả gần như chính xác hình ảnh, không khí hân hoan tràn ngập phố phường Hà Nội trong ngày vui giải phóng. Cũng chính trong thời khắc lịch sử ấy, “Tiến về Hà Nội” đã là khúc quân hành vang lên khắp phố phường Thủ đô, thúc giục những đoàn quân chiến thắng trở về. Với lời ca, giai điệu hào hùng, sôi nổi…, đã từ lâu, “Tiến về Hà Nội” luôn vang lên trong dịp kỷ niệm ngày 10-10 hằng năm, trờ thành khúc khải hoàn ca của người Hà Nội.

Cảm xúc - Hoài cảm Tháng Mười

Nếu như “Tiến về Hà Nội” được Nhạc sĩ Văn Cao viết 5 năm trước sự kiện ngày 10-10-1954, thì ca khúc “Cảm xúc Tháng Mười” được Nhạc sĩ Nguyễn Thành phổ nhạc thơ của Tạ Hữu Yên, tròn 20 năm sau ngày Thủ đô giải phóng. Nếu “Tiến về Hà Nội” mang tính Dự cảm, được viết với giai điệu mang dáng dấp hành khúc, dồn dập, tưng bừng khí thế khải hoàn ca; thì “Cảm xúc Tháng Mười” lại lắng sâu Hoài cảm, tha thiết, nhớ về… Hoài cảm về đêm “chui qua gầm cầu” Long Biên, tạm biệt Thủ đô trở lại chiến khu và hoài niệm ngày chiến thắng trở về trong khúc khải hoàn ca:

Cũng là cảm xúc thăng hoa, nhưng với Nguyễn Thành và Tạ Hữu Yên  không phải dồn dập, tưng bừng ào ạt, mà dạt dào, man mác, thiết tha sâu lắng: “Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa Thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường…Một sớm thu trong sắc thắm sao vàng/ Năm cửa ô xòe năm cánh rộng/ Đoàn quân về nhấp nhô như sóng…”.

Về bối cảnh ra đời bài hát “Cảm xúc Tháng Mười” nhiều người trong chúng ta lâu nay đã biết. Tác giả bài viết này cũng đã có may mắn hỏi chuyện Nhạc sĩ Nguyễn Thành. Chuyện là đầu năm 1985, chuẩn bị tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng của Quân khu năm đó, là trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn 433 Quân khu 3, tôi được Chỉ huy sư đoàn giao nhiệm vụ đón tiếp Kịch gia Vũ Dũng Minh, Nhạc sĩ Nguyễn Thành, Nghệ sĩ múa Thanh Nga giúp xây dựng chương trình văn nghệ của đơn vị. Đã từng mê “Qua miền Tây Bắc” và “Cảm xúc Tháng Mười”, nay được đón và “điếu đóm” giúp việc Nhạc sĩ Nguyễn Thành, là dịp may hiếm có để tôi tìm hiểu thêm về hai nhạc phẩm này.

Tranh thủ những lúc tiếp thuốc lào, chè tàu với vị Nhạc sĩ đáng kính, da ngăm ngăm, dáng đầm đậm này, tôi không quên hỏi ông về hoàn cảnh ra đời “Cảm xúc Tháng Mười”, liền được ông hể hả kể: Năm 1974, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc sáng tác về chủ đề Hà Nội, thiết thực chào mừng 20 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Nhạc sĩ tìm nhờ người bạn thân thiết là nhà thơ Tạ Hữu Yên làm một bài thơ với chủ đề Hà Nội để ông phổ nhạc. Sau một thời gian lang thang phố phường Thủ đô tìm cảm hứng, bài thơ “Cảm xúc Tháng Mười” của Nhà thơ Tạ Hữu Yên đã ra đời và với hai tâm hồn đồng điệu nên cũng chẳng mất quá nhiều thời gian, bài thơ đã được chắp cánh, vang ngân bởi những nốt nhạc tài hoa của Nguyễn Thành.

Về phần mình, sau khi về công tác tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, được tiếp xúc thường xuyên với nhà thơ Tạ Hữu Yên (khi đó cánh trẻ chúng tôi thường gọi yêu cụ là “Thiên thần Mũi đỏ”), tôi có hỏi về “Cảm xúc Tháng Mười”, cũng được Nhà thơ kể lại như Nhạc sĩ Nguyễn Thành đã kể.

Hai ông đều cho biết tổng kết cuộc thi sáng tác âm nhạc năm đó, “Cảm xúc Tháng Mười” được trao giải Nhất và được chọn phát trên sóng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

Duy Tường