Tại Hà Nội, tính đến ngày 6-9-2015 đã ghi nhận 1.537 ca (đứng thứ 6 trên toàn quốc), phân bố tại 237 xã, phường, thị trấn của 29/30 quận, huyện, thị xã (trừ huyện Phúc Thọ). Một số quận, huyện trọng điểm như Thanh Trì 297 ca, Hoàng Mai 290 ca, Hai Bà Trưng 209 ca, Hà Đông 178 ca, Đống Đa 113 ca, Ba Đình 96 ca, Thanh Xuân 78 ca …Các dịch bệnh khác có 719 ca tay chân miệng, 257 ca sốt phát ban (có 39 trường hợp dương tính với sởi), 148 caho gà, (1 ca tử vong), 14 ca viêm não Nhật Bản, 12 ca liên cầu lợn (2 ca tử vong), 1 ca não mô cầu, 1 ca dại lên cơn. Chưa có bệnhnhân tả, thương hàn, tiêu chảy cấp nguy hiểm, cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9). Dịch bệnh Ebola, MER-CoV đã theo dõi và giám sát sức khỏe của 15.350 hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch, phát hiện 20 trường hợp biểu hiện ho sốt nhưng đều cho kết quả âm tính với MERS-CoV. Dự báo trong 4 tháng cuối năm 2015, tình hình bệnh sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp, số mắc có thể tăng cao do thời tiết thất thường, nóng bức, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Để phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội đã thực hiện 490 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, với kết quả 1.282.673 gia đình được kiểm tra; 92.790 ổ bọ gậy đã được loại bỏ; thả 79.715 con cá; sử dụng 7.468 lít hóa chất diệt côn trùng. Tổ chức 39 chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện trọng điểm, có 61.469 gia đình được phun thuốc xử lý, đạt tỷ lệ 64,6%; sử dụng hết 447 lít hóa chất. Phát 741.284 tờ rơi, mở 20 lớp tập huấn cho 750 cán bộ về chống dịch sốt xuất huyết.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế thì bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội chưa có trường hợp tử vong. Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền do vi rút. Muỗi vằn cái đốt người sốt xuất huyết sau đó lại đốt người lành thì người lãnh bị lây nhiễm. Muỗi vằn đẻ ở những nơi có nước, nên trời mưa là dịp thuận lợi cho muỗi phát triển. Ở nhiệt độ từ 32 đến 35 độ C thì chỉ trong 4 ngày là trứng nở thành muỗi. Do vậy phòng chống muỗi đốt cũng như bệnh sốt xuất huyết là phải nằm màn, dùng hương chống muỗi, kem chống muỗi, nuôi cá trong bể nước và không để nước đọng trong các xô chậu, đồ hộp.. quanh nhà và phải phun thuốc muỗi. Đáng tiếc là Hà Nội còn 17% bà con không hợp tác khi có đợt phun thuốc chống muỗi. Thuốc chống muỗi là hoá chất, có thể gây dị ứng nhưng là thuốc đã được kiểm định cẩn thận.
Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo, thời kỳ ủ bệnh sốt xuất huyết sớm khoảng 2 ngày, muộn khoảng 14 ngày, trong thời kỳ này, bệnh nhân không có triệu chứng nên rất khó phát hiện. Trong khi đó, sốt xuất huyết có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virút thông thường nên nhiều người có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh, dẫn tới bệnh nặng, có biến chứng như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa… đe dọa tới tính mạng. Để tránh tình trạng bệnh nặng hoặc có biến chứng mới vào viện điều trị, những bệnh nhân bị sốt đột ngột, kèm theo triệu chứng đau đầu, đau mỏi toàn thân, cơ thể có chấm đỏ ở ngoài da, chảy máu răng lợi hoặc chảy máu cam… thì nên đến các bệnh viện để được khám và chẩn đoán kịp thời.
An Hà