Ngày ấy người dân đổ ra đường đông hơn, như muốn xích lại gần nhau hơn, như là để được chia sẻ và náo nức chờ đợi một sự kiện hết sức quan trọng sắp sửa xảy ra. Người ta túm năm tụm ba lén chuyền tay nhau những tờ truyền đơn, lảng vảng gần những nơi có dán những tờ thông báo và thực sự xúc động, bởi những lời kêu gọi mà những từ ngữ thật hợp với lòng người dân đang khát khao tự do:
“Hỡi đồng bào, hãy đứng lên phá tan xiềng xích... diệt trừ phát xít, bù nhìn... cởi ách nô lệ... ủng hộ Việt Minh...”.
Lại có tin nức lòng người: Việt Minh đăng đàn ở Việt Nam học xá (Đại học Bách khoa ngày nay). Diễn thuyết tại trường Đại học Y, tuyên truyền cách mạng ở rạp chiếu bóng Palas phố Tràng Tiền, nói chuyện ở rạp hát Tố Như phố Hàng Bạc và ở chợ Đồng Xuân...
Thế rồi, một buổi sáng tinh mơ, rất đông người dân hồ hởi, mặt mũi rạng rỡ đổ ra quanh hồ Hoàn Kiếm, để ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng mà đêm qua, Việt Minh đã treo, đang phần phật tung bay trên đỉnh Tháp Rùa. Tiếp đến, trong ngày hội, thanh niên, hàng chục nghìn học sinh, sinh viên tràn xuống đường mít tinh, hội họp, tuần hành, rầm rập trên các ngả và đã xảy ra vài cuộc đụng độ. Nhà hàng ăn Coulier phố Tràng Tiền bị đập phá, vì vợ chồng chủ hiệu đã bĩu môi, nhổ nước bọt khi đoàn diễu hành đi qua. Phòng khám đốc-tờ Pícquenman ở góc phố Lý Thường Kiệt - Bà Triệu cùng chung số phận vì dám dứ nắm đấm về phía đoàn người biểu tình. Phó chánh mật thám Fays, nguyên thủ môn đội bóng đá Racin club, bị đuổi đánh, phải chạy trốn vào khách sạn Mê-trô-pôn vì dám nói những lời thực dân phân biệt chủng tộc. Tên Nga, nữ chủ quán cà phê Thiên Hương xinh đẹp bị đền tội ở phố Hàm Long, vì làm tay sai chỉ điểm cho phát xít Nhật, chống phá Việt Minh.
Ngày 13-8-1945, Nhật hoàng xuống chiếu đầu hàng đồng minh, quân đội Nhật hạ vũ khí. Tin tức cứ dồn dập như những cơn lốc ập tới...lan truyền. Hà Nội rung lên sôi động, náo nức, đường phố đầy ắp người. Họ công khai bàn bạc, không còn phải ngó trước, nhìn sau. Người ta nóng lòng chờ đợi, như chỉ sợ sẽ xảy ra sự kiện lớn lao của dân tộc, mà không có mặt mình trong đội ngũ quần chúng cách mạng.
Ngày 15-8, chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mít tinh, biểu tình để chào mừng phái bộ đồng minh tới Hà Nội. Nhưng cuộc mít tinh biểu tình đã biến thành cuộc diễu hành quần chúng ủng hộ Việt Minh. Mọi người đồng thanh hứa và thề sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả phải xả thân khi cách mạng cần đến. Đoàn diễu hành lúc đầu chỉ khoảng ngót 20 nghìn người, sau con số cứ tăng lên đến bốn, năm chục nghìn, người dân tự gia nhập khi đoàn diễu hành qua các phố, dưới cơn mưa như trút nước.
Rồi cái gì phải đến đã đến. Sớm ngày 19-8-1945, từng đoàn người, từ các ngả, hàng ngũ chỉnh tề, súng trường, mã tấu, gươm giáo, gậy gộc, cờ đỏ sao vàng rầm rập như thác lũ, triều dâng kéo về tập trung tại quảng trường Nhà hát lớn (nay là quảng trường Cách mạng Tháng Tám), dễ có đến hơn 100 nghìn, người ta đứng tràn ra cả các dãy phố quanh nhà hát.
Đúng 8 giờ 30 phút, bài hát Tiến quân ca vang lên, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên đỉnh cột, giây phút trang nghiêm, trọng đại. Mọi người như nín thở.
Ban khởi nghĩa đọc lời hiệu triệu:
“ Hỡi đồng bào, hỡi cư dân thành phố: 12 giờ trưa ngày 13-8-21945, phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh, quân đội Nhật đã hạ vũ khí trên khắp các chiến trường...Giờ tổng khởi nghĩa đã điểm. Đây là thời cơ để nhân dân ta, dân tộc ta vùng đứng lên giành lấy quyền độc lập, tự do cho đất nước... Hỡi đồng bào, Ban khởi nghĩa kêu gọi đồng bào, hãy đem hết tâm lực, trí lực xông lên đánh đổ chính quyền bù nhìn, tay sai... đất nước đang đòi hỏi sự hy sinh quả cảm của các bạn... Hãy tiến lên... Thắng lợi nhất định sẽ về ta. Việt Nam độc lập, tự do muôn năm...”.
Hàng vạn, vạn tiếng hô nối tiếp “muôn năm...muôn năm...” vang dậy đất trời... Rừng cờ phất lên, làn sóng đỏ chuyển động, biển người như sóng xô thác đổ tỏa về các hướng. Khâm sai Bắc Bộ phủ, Tòa thị chính thành phố, trại bảo an binh lần lượt bị đánh chiếm, tiếp đến Sở tài chính, Sở mật thám, bót Hàng Trống, bót Hàng Đậu, nhà máy điện, nhà máy nước, Sở hoả xa, ga Hàng Cỏ... về tay quần chúng cách mạng. 10 giờ 30 phút, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim sụp đổ. Lúc này, cờ đỏ nhà, đỏ ngõ, cả thành phố đỏ rực màu cờ. Dân chúng thì gần như đổ cả ra đường: Già trẻ, lớn bé, trai gái, họ nắm tay nhau nhảy múa, ca hát vang lừng, họ ôm lấy nhau gào lên, hét lên: “Tự do rồi... độc lập rồi...không còn phải sống kiếp nô lệ nữa rồi, hãy ngửng cao đầu lên... bà con ơi!...”. Nhiều người nức nở khóc vì sung sướng, họ khóc, khóc thực sự, khóc thành tiếng... nước mắt giàn giụa, bởi vì 100 năm tăm tối, mới lại có ngày hôm nay rạng rỡ mặt trời.
Phan Đức Sử
(Cán bộ tiền khởi nghĩa)