Ông Võ Tiến Hùng thông tin tại buổi giao ban báo chíTheo ông Võ Tiến Hùng, nước hồ đang bị ô nhiễm, độ Ph luôn ở mức cao. Theo đánh giá, hồ Hoàn Kiếm hiện đã mất khả năng tự làm sạch. Thực hiện chủ trương cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm, UBND TP Hà Nội đã giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lập và thực hiện phương án cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm. Đến nay, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã hoàn thành công tác chuẩn bị. Qua kiểm tra, chỉ số đa dạng sinh học của hệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm thuộc loại nghèo, chất lượng môi trường hồ thuộc loại ô nhiễm, hầu hết các loài động vật đáy sống tập trung ở chân kè đền Ngọc Sơn. Các loài cá có nguồn gốc từ sông Hồng, các loài cá tự nhiên không còn tồn tại trong hồ, chủ yếu là các loài cá nhỏ, cá cảnh người dân thả phóng sinh, hiện không gặp những loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng và danh mục đỏ ở trong hồ Hoàn Kiếm. Trước đó, ngày 3-10-2017, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm” (trên địa bàn quận Hoàn Kiếm), với hạng mục là nạo vét bùn lòng hồ thuộc địa điểm các phường: Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Trống. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã thống nhất phương án cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất với các nội dung: rà phá bom mìn lòng hồ, nạo vét bùn lòng hồ, xây dựng bể ngầm cấp nước cho hồ, xử lý làm sạch nước hồ bằng chế phẩm Redoxy - 3C. Ông Võ Tiến Hùng cho biết thêm, thời gian tới, sẽ nạo vét toàn bộ bùn ở hồ Hoàn Kiếm, xử lý nước bằng chế phẩm Redoxy - 3C và bổ cập thường xuyên nước vào trong hồ. Trước khi thực hiện, công ty đã thận trọng lấy ý kiến của các nhà khoa học, các bộ và người dân xung quanh hồ về phương án cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm. Để bảo vệ hệ thủy sinh, phương án hạn chế ảnh hưởng đến hệ sinh thái là phân vùng nạo vét và triển khai nạo vét trong thời gian dài giúp ổn định lại đường bờ và hệ sinh thái được thích nghi dần dần với sự thay đổi cấu trúc đáy hồ, giảm tác động đến hệ sinh thái hồ. Đơn vị sẽ dùng biện pháp khoanh vùng nhỏ trong quá trình vét bùn đáy. Tất cả hoạt động thi công chỉ được diễn ra trong ranh giới vùng thi công và dùng lưới quây dồn hệ thủy sinh vào vị trí riêng biệt cách xa khu vực thi công, thời gian thi công tiến hành vào ban đêm để ít gây ảnh hưởng đến các hoạt động chung quanh hồ và các phương tiện thi công hiện đại, khép kín; sau mỗi đêm làm việc sẽ có lực lượng thu dọn sạch sẽ khu vực quanh hồ. Trong quá trình thi công, sẽ chia lòng hồ thành 3 vùng thi công (với diện tích trung bình khoảng 32.500m2/vùng), căng lưới, dồn thủy sinh để bảo tồn hệ thủy sinh trong hồ và tiến hành thi công dứt điểm trong từng khu vực. Trên cơ sở khảo sát cao độ mực nước, bùn hiện trạng hồ Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện nạo vét bùn với khối lượng dự kiến khoảng 57.400 m3. Thành phố Hà Nội sẽ chi 29 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc ngân sách thành phố để tiến hành nạo vét bùn ở hồ Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 1-12-2017 và dự kiến, dự án nạo vét sẽ hoàn thành vào đầu tháng 2-2018 (trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất).Trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Hùng cho biết, “cụ rùa” cuối cùng trong số 4 “cụ” ở hồ Hoàn Kiếm đã “đi” vào đầu năm 2016 và hiện nay, lãnh đạo thành phố đang nghiên cứu cho phương án tiếp theo.
QUỐC HUY