Vụ cháy quán karaoke 32 người chết ở tỉnh Bình Dương đã qua hơn 1 tuần nhưng dường như sức nóng của vụ việc vẫn còn ngùn ngụt.

Sốt sắng nhất là chính quyền các địa phương, nhất là ở các thành phố lớn chỉ đạo công tác kiểm tra phóng cháy chữa cháy (PCCC) ở các quán karaoke.

Thậm chí, ngày 9-9, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND T.P Hà Nội còn ký, ban hành công điện khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn, siết chặt công tác quản lý về kinh doanh dịch vụ karaoke. Ông Thanh nhấn mạnh: “Chủ tịch cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm với những quán karaoke không đủ điều kiện PCCC nhưng vẫn cố tình hoạt động”.

UBND T.P Hồ Chí Minh cũng yêu cầu tổ chức giám sát chặt chẽ, kiểm tra và xử lý nghiêm chủ đầu tư các công trình kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar chưa được nghiệm thu về PCCC đã đi vào hoạt động...

Qua kiểm tra chớp nhoáng của Công an T.P Hà Nội đã phát hiện trong số gần 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke thì có tới 58% cơ sở không đạt yêu cầu về công tác an toàn PCCC! Bình Dương cũng kiểm tra trong 2 ngày 9 và 10-9, phát hiện tới 70 cơ sở thiếu an toàn PCCC.

Tóm lại là rất không an toàn trong PCCC ở nhiều cơ sở karaoke.

Tại sao? Dư luận “bắt bệnh” và nói thẳng như ông Nguyễn Đức Chung nói thời mới lên giữ chức Chủ tịch UBND T.P Hà Nội là do chủ các cơ sở này “nhờn luật”. Mà nguyên nhân chính dẫn đến nhờn luật là do được bảo kê?

Bảo kê theo định nghĩa của Bách khoa toàn thư - là động từ khẩu ngữ, chỉ hành vi bảo đảm có tính bất hợp pháp của một thế lực cho những hoạt động trái pháp luật hay ít nhiều mang tính không hợp pháp.

Còn ở khía cạnh chính trị thì có thể thấy, bảo kê là hành động ngầm rất nguy hiểm, nó không chỉ phá nát công bằng xã hội mà còn làm mất uy quyền và tha hóa đạo đức của người thực thi công vụ.

Thế mới thấy, sẽ khókhắc phục được tình trạng nhờn luật, nếu có bảo kê mà không nghiêm trị!

Huy Thiêm