Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo, cả nước hiện thiếu 118.253 giáo viên, từ bậc mầm non đến trung học phổ thông (so với năm học 2022, giáo viên thiếu tăng 11.308 người); đồng thời còn cả mất cân đối về giáo viên giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền...

Chính vì vậy, mà cụm từ “thiếu giáo viên” hiện như một từ khóa - không chỉ tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, mà còn đang làm đau đầu, kể cả các nhà quản lý giáo dục, người làm giáo dục, cũng như phụ huynh, học sinh trước thềm năm học mới. Vì lớp thiếu giáo viên, thật chả khác nào “rắn mất đầu”!

Nhưng phải nói ngay rằng, sau “đại dịch”, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước phát triển trên thế giới, như Anh, Mỹ, Úc, Trung Quốc... cũng thiếu giáo viên; nguyên nhân thiếu cũng na ná giống nước ta, phần nhiều do áp lực công việc cao, lương thấp, giáo viên bỏ nghề, đào tạo chưa theo kịp...

Trước tình trạng đó, mỗi nước có một cách khắc phục khác nhau, là phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, quy chế, quy định của mỗi nước. Ví dụ như Trung Quốc vừa quyết định tuyển dụng lại 3 năm với 120.000 giáo viên đã nghỉ hưu, dưới 70 tuổi, ở tất cả các cấp trong toàn quốc. Đây là lần thứ hai, sau cách đây 5 năm, nước này cũng đã tuyển dụng lại thành công hàng chục nghìn giáo viên để bổ sung cho các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đây là một trong những cách làm nhận được nhiều ý kiến cho là hợp lý nhất, vì vừa tận dụng được ngay đội ngũ giáo viên hầu hết có kinh nghiệm, vừa không phải đào tạo, lại đáp ứng được nguyện vọng của những người về hưu yêu nghề còn sức khỏe.

Thiết nghĩ, nước ta cũng có thể học cách làm của “ông hàng xóm” Trung Quốc? Vì, hiện tại cơ cấu hệ thống giáo dục của Trung Quốc cũng khá giống nước ta - cấp nào cũng có công lập và tư thục. Thậm chí Trung Quốc “gỡ” khó hơn về tài chính. Vì giáo dục bắt buộc ở Trung Quốc 9 năm, gồm ba cấp, tiểu học, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học, Luật quy định miễn học phí.

Chỉ có điều “thời gian sửa luật” là nước mình khó theo kịp!

Huy Thiêm