Hiếm có dự thảo văn bản luật nào vừa “tung” lên mạng lấy ý kiến, đã nhận được tới 187 triệu kết quả, sau 0,27 giây, như Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) của Bộ LĐTBXH, đề xuất: “Học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động - tức đủ 15 tuổi trở lên, được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ”.

Nhưng đáng tiếc, hầu hết lại là ý kiến cho rằng không thực tế, nếu như không muốn nói là phản đối, vì khó mà Dự thảo Luật này thực hiện được.

Khỏi phải nói vì sao, vì đọc qua cũng thấy nếu thực thi thì “quản” bằng cách nào? Cũng có một số ý kiến đứng về phía bên soạn thảo luật, cho là nhiều nước trên thế giới đã quy định điều khoản này; thậm chí có ý kiến còn lý sự: Quy định như thế để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của sinh viên...

Đúng là một số nước trên thế giới có quy định giống như “copy” trong dự thảo Luật Việc làm của mình. Nhưng nước người ta “Luật này được thực thi bởi nhiều luật khác”; nhất là điều kiện để giám sát cả người lao động và người sử dụng lao động đã rất minh bạch, rất khoa học từ hàng chục năm nay đến mức thành quen rồi, thì mới thực hiện được.

Ví dụ như nhờ có giám sát qua hệ thống ngân hàng, qua thuế mà Nhật Bản quy định lao động cho sinh viên làm thêm không chỉ chi tiết tới mức, làm không quá 40 giờ/tuần; 8 giờ/ngày, mà còn: Nếu làm việc 6 giờ thì nghỉ giải lao 45 phút, làm việc 8 giờ thì nghỉ 1 giờ...

Ngược lại ở Việt Nam chỉ cần trả lời 2 câu hỏi: Ai quản?; Quản thế nào? - đã thấy vô cùng khó rồi. Còn nếu phân tích kỹ hơn về hoàn cảnh, điều kiện, văn hóa... của nền sản xuất “còn nhỏ” của nước mình thì mới thấy xa vời đến mức nào.

Đúng là “Luật máy lạnh” - cách nói hình ảnh để phê phán kiểu soạn thảo điều luật xa rời thực tế - cứ như “cóp” của ngoài nước ấy!  

Huy Thiêm