Chúng tôi đành phải nằm khàn trong ca-bin chờ thông tuyến. Đang lúc sốt ruột sốt gan chẳng rõ có cậu nào đó tung tin: Ở khu rừng bên kia, tối nay có văn công binh trạm biểu diễn. Tôi liền xin phép tiểu đội trưởng cùng mấy anh bạn nữa mò đến xem. Chúng tôi tới nơi thì đêm biểu diễn đã bắt đầu. Bấy giờ đang là tiết mục hát múa văn. Năm cô gái má phấn, môi son tay cầm quạt hoa màu hồng, mặc áo tứ thân, đang say sưa biểu diễn. Kìa, cô đứng hàng đầu sao hao hao giống người bạn học cùng trường với tôi thế nhỉ?
Chẳng lẽ đấy là Bích Thuận, cô nữ sinh trung học xinh đẹp, dịu dàng và hay khóc dạo nào? Bích Thuận thân với tôi, có lẽ vì dạo đó tuy tôi mới mười tám, song đã được người ta khen là đứng đắn, chững chạc như người lớn, tôi chưa có lần nào đem cái đuôi "nhè" kia ra trêu chọc Bích Thuận cả. Vì vậy có lần tôi "vinh dự" được Bích Thuận bày tỏ mơ ước, sau đó xin ý kiến tôi một cách thật nghiêm chỉnh.
- Tới đây học hết cấp ba, Thuận sẽ đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật, Thuận muốn trở thành diễn viên múa, Bình thấy có nên không?
Nhớ tới câu đó tôi càng không nén nổi thắc thỏm, vội vã rời chỗ ngồi đi ra. Tôi nhớ quả không sai, cô đứng đầu tốp nữ ấy đúng là Bích Thuận. Khỏi phải nói chúng tôi mừng đến suýt reo to. Theo lời hẹn, sáng sớm hôm sau tôi đến thăm Bích Thuận. Qua hỏi chuyện, tôi biết: học xong lớp mười, Thuận không đi học múa mà lại viết đơn đi thanh niên xung phong. Sau một năm lăn lộn với những tuyến đường đầy đạn bom, Thuận chuyển sang quân đội, học làm cô gái tổng đài. Chúng tôi chuyện trời chuyện đất tới gần trưa, khi ra về Thuận tiễn tôi ra bờ suối. Tới lúc này tôi mới hay Thuận đang đi giày, mà đôi giày cao cổ quá rộng so với cỡ chân của cô, nom ngộ nghĩnh buồn cười. Thuận thanh minh:
- Mới rồi, mỗi chúng em được phát đôi dép nhựa đẹp lắm. Nhưng hôm nọ bọn Mỹ nó đánh bom vào đơn vị, làm bay mất cả. Giày này là của anh trung đội trưởng "tặng" em đấy chứ! Giá có ai ra Hà Nội, em nhờ mua hộ đôi dép nhựa…
Thuận mới nói tới đó, tôi sốt sắng:
- Để mình, sắp tới bọn này ra ngoài đó nhận hàng…
Thế là trên đường vào chuyến sau, ngoài thùng xe đầy ắp hàng cho tiền tuyến, tôi còn có thêm đôi dép nhựa tặng cô bạn gái. Đôi dép số 34 nhỏ nhắn, xinh xinh, mềm mại như… bàn chân của Bích Thuận. Ngày ngủ, đêm đi, chúng tôi "quất" ba đêm thì tới binh trạm của Thuận. Giấu xe xong, ăn nháo nhào vài bát cơm, không ngủ bù, không cả kịp uống nước, tôi cầm dép cuốc bộ vượt hai ngọn đèo, lội tắt cũng hai con suối đi thẳng đến tổng đài ấy. Tôi có ngờ đâu bom Mỹ vừa trút xuống nơi đây. Khu rừng kín đáo thâm nghiêm hôm nào, giờ trống huếch trống hoác, mặt đất nham nhở hố bom cày xới và ngổn ngang những thân cây gãy gục, đen thui.
Tôi tự trách mình là thằng chẳng biết lo xa. Giữa những ngày bom đạn mù trời, đời chiến sĩ lại như cánh chim nay đây mai đó, ngay như tôi một ngày cũng còn ăn cơm ba tỉnh… Thế mà sao tôi không hỏi địa chỉ của Thuận, để chưa tìm được nhau còn có thư đi thư về. Nhưng biết dại thì sự đã quá rồi, tôi đành cất kỹ đôi dép nhựa vào cốp xe, lòng thấp thỏm đợi chờ hy vọng…
Dạo này đang giữa mùa vận chuyển, chúng tôi phải chạy liên miên. Tiếng súng tiến công ngoài mặt trận càng rền vang, chiến trường càng mở rộng thì cung đường vận chuyển của chúng tôi càng thọc sâu vươn dài. Công việc tối mặt, mệt phờ người. Tuy vậy hễ hở thời gian chút nào tôi lại lôi đôi dép ra mà ngắm. Ở nơi nào trong dãy Trường Sơn trùng điệp, Thuận có biết không, chính vì đôi dép mà suýt có lần tôi chết hụt. Ấy là cái đêm xe qua trọng điểm đá trắng, máy bay giặc Mỹ ào tới quăng bom. Đã chui vào hầm chợt nhớ trên xe còn đôi dép nhựa, tôi lại nhào ra nhảy lên buồng lái… Vừa tụt xuống hầm thì mấy loạt bom bi nổ tung phía sau lưng. Cậu lái phụ mừng cho tôi, song cứ gắt ầm lên:
- Giày với dép, vứt mẹ nó đi! Anh coi nó hơn tính mạng mình hả?
Cậu ấy còn quá trẻ, lại chưa "có gì" thì sao hiểu nỗi lòng tôi!
Thế rồi vào một buổi chiều cuối mùa khô, tôi gặp hai cô gái. Cứ nom họ khoác lủng lẳng hộp máy điện thoại ngang sườn, tôi biết ngay đấy là lính tổng đài đi kiểm tra đường dây. Tôi hỏi luôn:
- Thông tin các cô có ai tên là Thuận không đấy?
Một cô béo đậm, thấp lùn như cái nấm rơm nhanh nhảu:
- Dạ có ! Có chị Thuận hay hát văn.
Theo hướng chỉ của hai cô gái, tôi đi gần như chạy lên dãy núi đá cao vời vợi. Lát sau, tôi đã đứng trước một ngôi nhà nho nhỏ nép mình dưới gốc cây cổ thụ. Trời ơi, Bích Thuận ngồi đó! Cô đang hướng dẫn chị em hát văn.
- Thuận!
Thoáng chút ngỡ ngàng, đoạn tôi thấy hình như Thuận định bổ nhào tới đón tôi. Song có thể vì giữ ý, không muốn vồ vập một người bạn trai trước mắt mọi người, nên Bích Thuận vẫn ngồi nguyên trên giường, cô reo nhỏ:
- Anh ! Anh Bình!...
Tôi chào các cô gái và bước nhanh đến bên Thuận:
- Dép! Dép nhựa tôi mua hộ Thuận đây này!
Thuận chìa cả hai tay đón dép, rồi rút một chân lên xỏ thử:
- Vừa quá! Anh khéo chọn quá!
Nhận nốt chiếc dép còn lại từ tay tôi, Bích Thuận đưa chân ra thì… trời ơi, thế này là thế nào? Tôi có lóa mắt không đây? Không, đúng là Thuận bị mất một nửa bàn chân bên phải. Tại sao, tại sao bàn chân "xuyến" nho nhỏ, xinh xinh giờ chỉ còn một nửa? Và có lẽ đoán được tâm trạng tôi, cô bạn áo màu tím hoa cà đứng bên, khẽ bảo tôi:
- Chị Thuận em đi nối dây vướng phải mìn lá…
Quên cả xung quanh còn rất đông người, tôi sà giáp xuống sạp giường ôm cả bàn chân bị thương của Bích Thuận vào lòng, yêu thương nén chặt bấy lâu, giờ như nhân lên gấp bội…
MAI THANH BÌNH