Quê tôi thuộc đất bãi ngang, một bên là biển, một bên là sông Lam, lại gần thành T.P Vinh và Cửa Hội, nên những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, chẳng khác gì chiến trường, suốt ngày đêm trên bom dưới đạn. Nói tới chiến tranh là chết chóc, mất mát…; nhưng cũng có những chuyện qua rồi, mới giật mình, ớn lạnh, nghĩ chẳng khác gì kiểu đùa giỡn với “Nam Tào”. Xin kể hai trong số những chuyện có một không hai đó.

1. Trẻ chăn bò thành những công binh lão luyện

Vào một sáng tháng 3-1966 (khi đó tôi là học sinh lớp 4), máy bay Mỹ vào đánh phá T.P Vinh, bị tên lửa phòng không ta trừng trị, hai chiếc rơi xuống đất xã tôi, cùng với hai giặc lái nhảy dù bị tóm sống. Trong hai chiếc máy bay bị bắn cháy, thì chiếc rơi xuống cánh đồng sát biển còn nguyên hai quả bom mẹ với hàng nghìn bom bi quả ổi. Để tránh thương vong khi dân tình đến xem, hoặc tháo gỡ xác máy bay, bom dễ phát nổ, dân quân đã thu nhặt hết số bom bi đem chôn giấu ở đồi cát bên cạnh. Việc dân quân chôn bom, không qua được mắt đám trẻ  chúng tôi.

Rồi không biết tự mày mò hay ai bày cho, mà đám trẻ chăn bò chúng tôi trở thành những “công binh” lão luyện. Chúng tôi đào lấy số bom bi mà dân quân chốn giấu; đứa nào đứa nấy, hai tay cầm hai quả gõ vào nhau theo vòng đai nối khớp hai nửa quả với nhau. Gõ một lúc là vòng khớp nối bong lỏng, hai nửa quả bom tách ra như ta bổ đôi quả cam. Ở giữa có kíp nổ giống hộp cao Sao Vàng, nhưng dẹt hơn. Cứ như thế, chiều chiều đi chăn bò, chúng tôi mỗi đứa nhặt hơn chục quả, chọn một gốc phi lao cổ thụ, ngồi nép vào, rồi kỳ cục đập tháo. Cả cánh rừng phi lao râm ran tiếng đập gõ như một “công binh xưởng”. Kíp nổ, chúng tôi đào cát chôn, có khi ném xuống biển. Vỏ bom bi, đem về đập ra lấy bi để bắn súng cao su. Thuốc bom đốt cháy như pháo hoa. Có đứa để thuốc rơi vãi, gà ăn phải quay quay mấy vòng rồi lăn ra chết… Tôi không thuộc diện đầu trò hăng hái, nhưng cũng tháo bom thành thạo.

Sau một thời gian đập tháo bom, có ông chú họ (hơn tôi vài tuổi) mày mò tháo kíp, nhưng kíp phát nổ, bị tưa tướp bàn tay. Khi đó không chờ người lớn can ngăn, cả đám đều biết sợ, nhưng lúc này hai hầm bom bi với hàng nghìn quả mà dân quân chôn giấu cũng hết nhẵn.

Gần 60 năm đã qua, mỗi khi nhớ về những trò dại dột ngày ấy, tôi đều bàng hoàng, khiếp hãi; cứ nghĩ Tổ tiên chúng tôi, Thành Hoàng làng tôi linh thiêng cứu đỡ, mới không có chuyện đau lòng nào xảy ra; và cũng giám chắc, trên thế gian này chuyện trẻ trâu chúng tôi trở thành những “công binh” lão luyện là có một không hai.

2. Ông Cháu T. đào hầm “đón bom”.

Phía ngoài đê sông Lam qua xã tôi (thường gọi là đê Hội Thống) có một cánh rừng bần xanh tốt. Trước ngày 5-8-1964, ngày mà Mỹ chính thức cho không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, chiến hạm Ma-đốc của Mỹ đã xâm phạm vùng biển miền Bắc nước ta, dựng lên cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”. Để trừng trị hành động tàu chiến Mỹ xâm phạm lãnh hãi, Hải quân ta đã cho tàu phóng lôi tiến công tàu Ma-đốc. Hai trong số các tàu Hải quân sau khi tiến công tàu địch, đã rút về trú đậu tại khu rừng bần ngoài đê xã tôi. Cũng từ đó cho đến khi kết thúc chiến tranh phá hoại của Mỹ, đám rừng bần đó trở thành rốn bom, đạn. Tôi và một số xã viên HTX nông nghiệp suýt chết trong khi gặt lúa vụ chiêm năm 1972 ở cánh đồng ven đê, khi máy bay ném bom khu vực này.

Đạn bom, chết chóc là vậy, nhưng có ông Cháu T. người xóm ven đê xem cái chết chẳng là gì cả. Ông có con trai tên Thắng cùng học với tôi từ lớp 1 lên lớp 7. Nhằm những ngày địch đánh rát nhất, ông làm một căn hầm ngay triền đê để “đón bom”. Mặc đại diện Ủy ban xã, Xã đội can ngăn, cảnh báo, ông cứ tưng tửng: “Nhất thì xanh cỏ. Nhì có thêm đồng nuôi con…”. Sau đó mọi người mới “ngã ngửa” ra, là ông làm hầm trên đê để khi máy bay thả bom bi quả ổi, ông sẽ “độc quyền” lấy được vỏ bom; tương tự, chúng bắn rốc két, ông cũng nhặt được mảnh tên lửa bằng đuy-ra (nhôm)… để bán.

Kết thúc chiến tranh phá hoại, ông Cháu T. cũng kiếm được 18 vỏ quả bom bi mẹ, mỗi cái to như chiếc thuyền ba lá; chưa kể mảnh rốc-két. Số vỏ bom, khi chưa bán, ông đem dựng quanh vườn, trông thật hãi hùng! Ơn trời, chiến tranh qua, mà ông không sây sát gì! Còn dân làng ai ai đi qua trông thấy “bộ sưu tập chứng tích chiến tranh” ấy, đều lắc đầu lè lưỡi: Đúng là người “đùa giỡn với Nam Tào”!

Duy Nguyễn