Luật pháp các nước thường nghiêm minh, sai thì bị phạt, dù đó là người giữ chức vụ nào. Thế nhưng, ở nước Anh, sai thì bị phạt dường như chưa đủ với các chính trị gia khi các cam kết của họ cũng đối mặt với các cuộc điều tra nếu có dấu hiệu cam kết đó không được thực hiện.

Ngày 21-4-2022, các nghị sĩ Anh thông qua kế hoạch mở cuộc điều tra đối với Thủ tướng Boris Johnson liên quan đến các bữa tiệc tại Văn phòng Thủ tướng trong thời gian Anh áp lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19 vào năm 2021. Cuộc điều tra do Ủy ban đặc quyền của Hạ viện thực hiện, xem xét tuyên bố của ông Johnson trước Hạ viện vào tháng 12-2021 rằng: “Mọi hướng dẫn và quy định phòng dịch được tuân thủ tại mọi thời điểm”. Ủy ban sẽ bắt đầu điều tra khi cảnh sát London hoàn thành cuộc điều tra riêng và một báo cáo nội bộ về vụ bê bối trên được hoàn tất. Ông Johnson là Thủ tướng đầu tiên của Anh bị điều tra vì những cáo buộc không trung thực trước Quốc hội.

Dù Uỷ ban đặc quyền của Hạ viện Anh chưa điều tra, ngày 19-4-2022, Thủ tướng Johnson đã xin lỗi trước Hạ viện sau khi bị cảnh sát phạt tiền vì vi phạm quy định phòng dịch Covid-19 hồi tháng 6-2020. Ông Johnson và Bộ trưởng Tài chính - Rishi Sunak nằm trong số các quan chức bị cảnh sát phạt vì tham dự cuộc tụ tập tại văn phòng và dinh thự của Thủ tướng Johnson. Vụ việc trên đã khiến sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Johnson đối mặt thách thức nghiêm trọng, khi các đảng đối lập kêu gọi ông Johnson từ chức vì vi phạm luật. Vụ bê bối cũng khiến mức tín nhiệm của ông Johnson sụt giảm và đảng Bảo thủ cầm quyền bị tụt xa so với Công đảng trong các cuộc thăm dò dư luận.

Ông Johnson đã xin lỗi và nộp tiền phạt. Vậy là ông đã vi phạm quy định. Các cuộc điều tra của Uỷ ban đặc quyền của Hạ viện Anh giờ đây sẽ tập trung chứng minh ông phá vỡ cam kết và đó sẽ là đòn giáng mạnh vào uy tín một chính trị gia khi không giữ lời hứa của mình.

         Nam Long