Thiếu tướng Vũ Văn Đôn kể: "Cuối năm 1950, chiến dịch Biên Giới mở ra , lượng gạo, đạn phục vụ mặt trận rất lớn, nhiều khi dân công và thủ kho phải bốc vác hàng suốt cả đêm. Một lần đi kiểm tra tuyến vận tải, anh Ninh hỏi tôi: "Anh chị em phải làm nặng nhọc suốt đêm như thế, có gì cho họ ăn không?". Tôi trả lời: Chưa thấy tiêu chuẩn nào quy định vậy. Anh bảo: "Như thế là các anh bóc lột người ta quá, làm sao người ta có đủ sức làm lâu dài. Lần sau, anh chị em bốc vác quá 12 giờ đêm, các anh phải nấu nướng gì đó cho họ ăn, chí ít cũng là một nồi cháo đỗ!". Sau đó, anh Ninh thông báo ngay cho Trưởng ban quân nhu chiến dịch biết mà cấp phát.
Bà Thoa - vợ Thượng tướng Trần Văn Trà kể: "Hoà bình 1954, vợ chồng tôi cùng tập kết ra Bắc. Lúc đó, quân đội ta ăn theo nhiều chế độ khác nhau, thường gọi là tiểu táo, trung táo, đại táo. Anh Trà là cán bộ cao cấp, nên có tiêu chuẩn cao hơn. Còn tôi làm việc bên Bệnh viện 303- tức Việt-Xô bây giờ, ăn theo tiêu chuẩn thấp hơn. Tôi ăn ở ngay bệnh viện, chỉ chiều thứ bảy mới về chỗ anh Trà, song anh em phục vụ vẫn dọn chỗ anh Trà ngồi ăn riêng. Tôi hiểu điều đó là quy định, song vẫn thấy buồn tủi thế nào. Tới một chiều thứ bảy, tôi định ăn cơm ở viện xong mới về, thì anh Trà đến đón. Anh bảo: "Bây giờ khác rồi em ạ, em cứ về ăn với anh cho vui!". Thì ra chuyện "ngồi ăn riêng" của chúng tôi thế nào mà cũng đến tai anh Ninh. Anh nhắc cơ quan phục vụ không nên quá máy móc, cần phải biết tôn trọng sinh hoạt gia đình cán bộ và cần phải biết rằng người mẹ, người vợ Việt Nam chỉ có chăm sóc, nhường nhịn chồng con, chứ không ăn tranh của chồng con... Thế rồi từ hôm đó về sau, cứ đến bữa cơm chiều thứ bảy, anh em phục vụ lại dọn chung cho chúng tôi cùng ngồi ăn với nhau!...".
Nguyễn Phúc Ấm