Cùng với tăng trưởng rõ nét của GDP, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I/2010 dự kiến tăng 5,6-5,8%; giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2010 dự kiến tăng 13,5-13,8%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ theo giá thực tế quý I/2010 dự kiến tăng khoảng 24% so với quý I/2009. Đặc biệt, do sản xuất trong nước đang phục hồi mạnh mẽ nên nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu và đang trong xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2009 khi sản xuất gặp rất nhiều khó khăn do không có đầu ra. Chính vì vậy, kim ngạch nhập khẩu quý I dự kiến 16,8 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 14,2 tỷ USD và nhập siêu quý I/2010 khoảng 2,6 tỷ USD, bằng 18,3% kim ngạch xuất khẩu (trong khi đó, nhập siêu quí I/2009 đã loại trừ kim ngạch tái xuất vàng chỉ là 640 triệu USD, bằng 5,7% kim ngạch xuất khẩu).

Theo TCTK, để hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh quý I, tạo đà cho các quý tiếp theo, các ngành, các cấp trên cơ sở chương trình hành động cụ thể, cần kịp thời có những giải pháp và chính sách tài chính, tiền tệ phù hợp, linh hoạt, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hoá, giá cả nhằm ngăn chặn lạm phát cao, đặc biệt trong bối cảnh giá điện, giá xăng, giá lương thực và thực phẩm cũng như giá một số hàng hoá đã tăng và đứng ở mức cao sau Tết.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra nhiều sản phẩm với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; nhanh chóng xây dựng kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để thúc đẩy sản xuất trong nước, kế hoạch đào tạo và thu hút lao động đáp ứng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp hiện nay.

Nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo đầu ra tốt cho sản xuất trong nước, các bộ ngành và doanh nghiệp tập trung mở rộng sản xuất, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; trong đó đẩy mạnh khai thác những thị trường ngách, thị trường nhỏ nhưng chấp nhận mức giá cao và ưa chuộng các sản phẩm đặc thù. Gia tăng tỷ lệ nguyên phụ liệu trong nước tự đáp ứng được đối với những sản phẩm xuất khẩu phải nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trong sản xuất nông nghiệp, giải pháp chăm sóc tốt lúa đông xuân, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hạn hán, sâu bệnh trên lúa và cây vụ đông, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm…cần tiếp tục thực hiện triệt để./.

Cao Thuý