Ngày ấy, sau Hiệp định Pa-ri về chiến tranh Việt Nam được ký kết (27-1-1973);đơn vị tiền phương F470, Đoàn 559 chúng tôi có vinh dự được đón tiếp nhà thơ Tố Hữu lúc bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư, trên đường vào chiến trường phổ biến Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, T.Ư Đảng về chiến lược đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cánh lính trẻ chúng tôi lần đầu tiên diện kiến nhà thơ, được nghe ông nói chuyện, đọc thơ, là một vinh dự lớn trong đời. Riêng tôi (trợ lý đồ bản Ban Tác chiến Sư đoàn), có may mắn được tháp tùng phục vụ Đại tá, Tư lệnh trưởng Nguyễn Lang, trong buổi làm việc với đồng chí Tố Hữu và Đoàn công tác. Đến giờ giải lao, bác Tố Hữu thân mật chuyệntrò vui vẻ với mọi người, cùng Tư lệnh tản bộ ngắm cảnh trong khuôn viên nhà Tư lệnh cạnh hội trường giao ban Sư đoàn. Tuy ở rừng nhưng khu nhà ở và nơi làm việc của Tư lệnh được các chiến sĩ công binh khéo tay thiết kế, xây dựng; lại được chỉ đạo bài trí đón khách T.Ư nên giống như một khu vườn thượng uyển thơ mộng, ẩn sâu dưới những tán cây cổ thụ cành lá xum xuê giữa đại ngàn Trường Sơn. Các giò phong lan đủ loại màu sắc, treo mắc lủng lẳng trên giàn thiên lý. Các loài chim, thú được nuôi trong những chiếc lồng xinh xinh, nhảy hót líu lo chào khách.

Tư lệnh Nguyễn Lang tóc bạc trắng vận bộ đồ bà ba xanh lá cây dã chiến, đi bên cạnh nhà thơ dáng vẻ thư sinh, nho nhã. Vừa đi, Tư lệnh vừa giới thiệu, giảng giải như một nhà sinh vật cảnh. Nhà thơ thích thú dừng lại khá lâu trước một chú gấu con chưa đầy tuổi trong lồng sắt. Tư lệnh mở lồng bắt gấu trao cho nhà thơ ẵm vào lòng, gấu con ngoan ngoãn hít thở khắp người nhà thơ như một chú cún con. Thấy vậy, Tư lệnh vui vẻ nói:

- Tôi tặng anh mang về Hà Nội đấy!

- Cảm ơn anh! Tôi sẽ gửi nó vào vườn thú Bách Thảo, nhờ anh em nuôi hộ - bác Tố Hữu vui vẻ nói.

Rồi ông ứng tác luôn bốn câu thơ tặng lại Tư lệnh Nguyễn Lang, với nhan đề “Tư lệnh Gấu”. Lâu ngày, tôi không còn nhớ hết, nhưng bài thơ có đại ý “Đánh giặc hung như gấu/ Đời thường sống như tiên…”. Nghe nhà thơ ứng tác, mọi người vô cùng nể phục, tán thưởng.

Khi bác Tố Hữu nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn, Tư lệnh Nguyễn Lang đọc bài thơ của bác Tố Hữu, có câu “Làm Bí thư hoài không bí thơ”. Nhà thơ cười vui và giải thích lý do ra đời bài thơ đó! Rồi ông đọc thơ và nói chuyện nhiều về tình hình sáng tác thơ ca chống Mỹ, ghi nhận lớp tác giả trẻ vừa có thơ hay được giải trên báo chí, như: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu... Ông tâm sự: “Đã lâu, tôi mới có chuyến hành hương xuyên Việt trên tuyến hành lang Đông - Tây của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đi đến đâu cảnh và người cũng làm tôi xúc động, gây nhiều cảm hứng để sáng tác. Sau chuyến đi này về, thế nào tôi cũng có thơ về Trường Sơn, về nước non ngàn dặm của Tổ quốc mình!”.

Sau đó không lâu, bước vào chiến dịch mùa khô năm 1973-1974, trong những kiện hàng chuyển ra mặt trận, chúng tôi đã nhận được bài thơ dài “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu, in trên giấy khổ nhỏ bằng cuốn sổ tay, rất tiện cho lính ta bỏ túi. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc, chép và nhanh chóng thuộc lòng bài thơ. Bài thơ đã chuyển tải được tinh thần Nghị quyết của T.Ư Đảng Bộ Chính trị, tiên đoán được khát vọng của toàn dân tộc vào ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài thơ ra đời cách nay đã 50 năm, nhưng những câu thơ đậm nét về khí thế Trường Sơn ngày ấy vẫn còn đọng mãi trong tâm trí chúng tôi, những người lính người lính trẻ năm xưa, người CCB hôm nay của “Hội Truyền thống Trường Sơn -  Hồ Chí Minh” huyền thoại: “Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa tới đó như chưa hiểu mình ”, hay “Mấy chàng lính trẻ măng tơ/ Ngêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi!”... nghe thật xúc động, đáng yêu, khí thể. Và chỉ sau 2 năm ngày nhà thơ Tố Hữu vào chiến trường, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 toàn thắng! Nước non ngàn dặm của dân tộc ta được thu về một mối.

Vậy là nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày đó, cả nhà thơ và Tư lệnh Nguyễn Lang đã trở thành người thiên cổ lâu rồi. Lớp lính trẻ Trường Sơn ngày ấy bây giờ cũng đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” cả rồi. Bồi hồi nhớ lại ký ức xưa, xin được ghi lại câu chuyện thú vị, hiếm hoi đã trở thành “nỗi nhớ mang theo” của một CCB người Nghệ.

Lê Lân