Các CCB sinh viên nhập ngũ năm 1970 vui mừng khi gặp lại nhau.
Ngày 30-10-2020, tại Bảo tàng Phòng không - Không quân (Hà Nội) diễn ra cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm “xếp bút nghiên ra trận” của sinh viên các trường đại học nhập ngũ năm 1970.
Đông đảo CCB sinh viên nhập ngũ năm 1970 thuộc các đơn vị trong toàn quân, các trường đại học trong cả nước đã về dự. Tham dự cuộc gặp mặt có đại diện Hội CCB T.P Hà Nội, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, lãnh đạo một số trường đại học có sinh viên nhập ngũ năm 1970.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Hữu Mão, CCB sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Trưởng ban Tổ chức cho biết: Năm 1970 là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn cực kỳ gay go quyết liệt, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Thực hiện lệnh động viên cục bộ của Nhà nước, rất nhiều sinh viên các trường đại học ở miền Bắc đã được gọi vào phục vụ quân đội. Theo số liệu thống kê, từ năm 1970 đến năm 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở miền Bắc đã lên đường nhập ngũ, hình thành nên một thế hệ sinh viên “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”.
Cách đây vừa đúng 50 năm, vào những ngày tháng mùa Hè và mùa Thu năm 1970, một số lượng lớn sinh viên của các trường đại học ở miền Bắc đã được lệnh lên đường nhập ngũ. Đây là đợt nhập ngũ đầu tiên của đông đảo sinh viên các trường đại học sau khi Nhà nước có lệnh động viên cục bộ.
Vì nhiều nguyên nhân và cũng do hoàn cảnh lịch sử, từ nhiều năm qua, số CCB sinh viên nhập ngũ 1970 hằng năm đều tổ chức gặp mặt theo một số nhóm cùng đơn vị thời chiến tranh hoặc cùng trường đại học. Từ năm 2019, đại diện các nhóm đã gặp nhau bàn bạc, trao đổi và thống nhất tổ chức cuộc gặp mặt toàn thể CCB sinh viên năm 1970 nhân dịp kỷ niệm 50 năm.
Ôn lại kỉ niệm vẻ vang của ngày này 50 năm trước, sinh viên các trường đại học nhập ngũ năm 1970 cho biết: Sau khi kết thúc thời gian huấn luyện bộ binh, theo sự phân công điều động của cấp trên, các chàng lính sinh viên 1970 như những cánh chim đã “ra giàng” được biên chế về các đơn vị trong toàn quân để bổ sung lực lượng chiến đấu trên khắp các chiến trường suốt từ Bắc vào Nam và trên đất bạn Lào! Và hầu hết các CCB sinh viên có mặt hôm nay đều là những người lính tham gia đến trận chiến đấu cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước!
Có thể nói, dù ở chiến trường nào thì những người lính sinh viên 1970 cũng thể hiện là những chiến binh kiên cường, thông minh, quả cảm, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc mãi mãi trường tồn! Nhiều người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, “mãi mãi tuổi 20”! Còn hầu hết đã thực sự là những người lính đầy bản lĩnh, chiến đấu giỏi, lập công xuất sắc, được tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý, trong đó tiêu biểu là 4 đồng chí đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đó là: Anh hùng Liệt sỹ Nghiêm Xuân Danh - trắc thủ tên lửa Trung đoàn 257 của Quân chủng PKKQ, nguyên sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Anh hùng Liệt sỹ Lê Xuân Đĩnh - Đại đội trưởng Đại đội 15, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, nguyên sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp; Anh hùng Trần Văn Xuân - nguyên sinh viên trường Đại học Thủy lợi, xạ thủ tên lửa A72 của Quân chúng PKKQ đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ; Anh hùng Phan Kim Kỳ (đã mất) - nguyên sinh viên Trường Đại học Thủy lợi, xạ thủ tên lửa A72 của Quân chủng PKKQ đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ.
Hoặc như kíp trắc thủ tên lửa của Tiểu đoàn 72 - Trung đoàn 285, Quân chủng PKKQ bắn chiếc B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp ở làng hoa Ngọc Hà - Hà Nội đêm 27-12-1972 là 3 sinh viên Trường Đại học Bách khoa nhập ngũ ngày 26-8-1970…
Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cao cấp trong Quân đội, trong đó có đồng chí trở thành tướng lĩnh, giữ những trọng trách lớn.
Sau ngày đất nước khải hoàn, hầu hết lính sinh viên 1970 - không ít người còn mang thương tật hoặc di chứng của chiến tranh - lại trở về giảng đường của các trường đại học tiếp tục học tập, ra trường phục vụ công cuộc tái thiết đất nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều người đã trở thành cán bộ quản lý, nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà báo… Trong đó một số người đã trở thành cán bộ chủ chốt, quan trọng trong hệ thống chính trị ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Còn số đông là những công chức, viên chức, người lao động bình thường. Song, dù ở vị trí nào thì điểm chung nhất của thế hệ những người lính - sinh viên một thời “tài hoa ra trận” còn đến bây giờ là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, là câu chuyện chưa bao giờ cũ để thế hệ hôm nay mãi tự hào về lớp cha anh đi trước, về truyền thống hào hùng của dân tộc!
Vũ Minh