Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào 1953. Ảnh tư liệu.

Kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi, từ chiến trường Điện Biên Phủ, Trung đội xe 13 thuộc Cục Vận tải, Tổng cục Cung cấp (tiền thân Tổng cục Hậu cần) tham gia vận chuyển tù binh, hàng binh Pháp để sau đó trao trả.

Sẩm tối một ngày cuối tháng 5-1954, Trung đội 13 vừa bàn giao tù binh cho trại tập trung ở bắc Tuyên Quang xong, về đến cây số 5 trên đường đi Phú Thọ thì trời mưa to. Nước ngập sâu tới 30cm. Một chiếc xe con đi ngược chiều cũng dừng lại cạnh chiếc xe đi đầu của Trung đội.

Một người từ xe con bước xuống nói không được suôn sẻ lắm: “Chúng tôi là bộ đội Pa-thét Lào sang Việt Nam từ mấy hôm nay. Trên xe chúng tôi có đồng chí cán bộ cao cấp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Lào. Xe chúng tôi sàn thấp hơn xe vận tải của các đồng chí. Mong các đồng chí giúp đỡ”.

Trung đội trưởng Đặng Huyền Phương (về sau là Thiếu tướng, có thời gian giữ chức Phó chủ nhiệm - Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng) liền bảo anh em chuẩn bị một xe thật sạch sẽ và mời đồng chí cán bộ cao cấp của bạn sang nghỉ…

Sáu giờ sáng ngày hôm sau, nước đã rút. Xe chuẩn bị lăn bánh. Giờ phút chia tay thật đậm đà tình nghĩa. Đặc biệt là tình cảm xúc động của đồng chí cán bộ cao cấp Lào - một người nói tiếng Việt rất rành mạch…

Năm 1981, Đại tá Đặng Huyền Phương tham gia cùng đoàn Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam  sang Viêng Chăn làm việc với Bộ Quốc phòng Lào. Nhìn ảnh đồng chí Chủ tịch nước CHDCND Lào trên lễ đài, ông hồi hộp thốt lên: “Ôi! Chủ tịch Xu-pha-nu-vông! Chúng tôi đã vinh dự được đồng chí sang ngủ nhờ xe đêm hôm ấy!”.

Qua tìm hiểu, đồng chí Đặng Huyền Phương được biết, ngày đó Hoàng thân Xu-pha-nu-vông sang Việt Nam để bàn một số vấn đề liên quan đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương (20-7-1954).

Phạm Xưởng