Tại phòng khách chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, thấy tôi chăm chú nhìn bức ảnh chụp lễ ra mắt Ban chấp hành hội Cựu chiến binh Việt Nam, anh bạn chỉ vào nhà tu hành đứng ở hàng đầu giới thiệu:
- Đây là Đại Đức Thích Tâm Vượng, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 33.
Thì ra vị chức sắc phật giáo đang ngồi đối diện với tôi kia, hiện là Uỷ viên Ban chấp hành Hội CCB Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Phật giáo tỉnh Nam Định, Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc huyện Trực Ninh, Viện chủ tổ đình Cổ Lễ. Tôi cố hình dung hình ảnh một chàng thanh niên điển trai, hiền lành phúc hậu đã từng cởi áo cà sa mặc áo lính, xông pha chiến đấu trên nhiều chiến trường ác liệt trong cuộc đấu tranh vô cùng hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi anh hùng của dân tộc ta. Khi chúng tôi gợi chuyện về những ngày sát cánh cùng đồng đội ở Trung đoàn 33 anh hùng, Đại Đức Thích Tâm Vượng mới trở lại hoạt bát. Dường như “chất lính” tiềm ẩn trong nhà tu hành có dịp được bộc lộ. Đại Đức tâm sự:
- Đó là thời kỳ đẹp nhất trong cuộc đời tôi bởi ở vào tuổi thanh niên, cùng một lúc được xả thân vì nước, đồng thời đó cũng là sự gắn liền với đời sống trong tất cả mọi mặt, xem cuộc đời như một đạo tràng để hành Thiền, để trui rèn, để tìm ra thật tướng của mọi sự, tìm thấy chân nghĩa “Nhập Pháp Giới”.
Nghe ông nói tôi bỗng nhớ lời anh bạn tôi, ông đúng là “truyền nhân” của Đức Tổ Long tức cố Hoà thượng Phạm Thế Long - một nhà tu hành, một cán bộ cách mạng nổi tiếng. Đại Đức chậm rãi kể cho chúng tôi kỷ niệm về những năm tháng không bao giờ quên, về những mảnh đất, con người, đặc biệt là những đồng đội đã cùng ông vào sinh ra tử và bây giờ kẻ còn, người mất… Trên bàn làm việc của Đại Đức, ngoài kinh sách nhà Phật, tài liệu của hội Phật giáo, Hội CCB, Mặt trận Tổ quốc… Đại Đức cũng dành nhiều tâm huyết cho việc sưu tầm tài liệu về Trung đoàn 33. Qua những câu chuyện tản mạn của Đại Đức Thích Tâm Vượng và những tài liệu, thông tin mà ông thu thập được, chúng tôi mới biết Trung đoàn 33 quả thật là một trong những đứa con ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại đức Thích Tâm Vượng không thể nào quên ngày ông được sống trong đội ngũ của Trung đoàn 33 lừng danh. Đó là ngày “khai sinh” anh “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc đời ông. Cũng từ đó cùng với trung đoàn, dấu chân ông đã in trên các chiến trường Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ - quê hương của Anh hùng Núp và chị Võ Thị Sáu. Những cái tên quen thuộc một thời như Plây Me, Buôn Mê Thuột, Suối Nghệ, suối Ông Hùng, tổng kho Long Bình, Bình Ba, núi Chư Prông, Hố Nai, Chà Là, Tánh Linh, Hàm Tân, Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Long Khánh, Xuân Lộc, sân bay Biên Hoà… gắn liền với những chiến công vang dội của trung đoàn. Có những cái tên đã đi vào lý lịch đời ông bằng những dòng sâu nặng. Tên tuổi của Trung đoàn 33 - Trung đoàn Quyết thắng - A57 đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với Mỹ - nguỵ và bon lính đánh thuê.
Mãi cho đến bây giờ, Thích Tâm Vượng vẫn không diễn tả được cái cảm giác của ông khi cầm súng nhìn bọn hàng binh hai tay giơ thẳng lên trời, mặt cúi gầm xuống để giấu những đôi mắt đục ngầu, hoảng sợ. Những tên lính trong các tiểu đoàn thiện chiến khát máu như tiểu đoàn Trâu điên, tiểu đoàn Rồng xanh lính Pắc Chung Hy, lính Thái Lan, lính Úc… may mắn còn sống sót thì suốt đời chúng còn khiếp sợ khi nghe đến những địa danh như Bầu Đôn, Hàm Thuận, Bầu Cối, trục đường lộ 2 Bà Rịa - Long Khánh - Biên Hoà - Tân Phú…
Qua quá trình chiến đấu, Trung đoàn đã tham gia 1.210 trận đánh lớn nhỏ, hạ 1 tiểu khu, 5 chi khu, 3 yếu khu, 6 phân chi khu, 235 đồn bốt lớn nhỏ; phá huỷ 2 đoàn tàu, 103 khẩu pháo cối, bắn cháy 133 máy bay, 1.345 xe quân sự ( trong đó có 601 xe tăng và xe bọc thép), diệt gọn 32 tiểu đoàn (trong đó có 1 tiểu đoàn Mỹ, 1 tiểu đoàn Thái Lan), 50 đại đội (trong đó có 21 đại đội Mỹ, 2 đại đội Úc, 2 đại đội Thái Lan); thu 2.454 súng các loại, 342 máy thông tin, 20 xe quân sự và nhiều quân trang quân dụng khác; tiêu diệt 30.047 tên, bắt sống 787 tên địch…
Mỗi khi nghe đồng đội kể về chiến công của trung đoàn, Thích Tâm Vượng như sống lại cảnh phục kích, bao vây, diệt đồn, hạ bốt… và cho đến tận bây giờ, hai bàn tay ông như vẫn còn lắng đọng hơi ấm bàn tay thân thiết của các má, các em, của bà con cô bác những lần bộ đội và nhân dân vui chiến thắng ngay sau khi quê hương giải phóng.
Từ Hang Làn (Quảng Bình) đến đồi Ngọc Tước (Vũng Tàu), chỉ cách nhau mấy trăm cây số, trải qua những chặng đường kháng chiến đầy gian khổ hy sinh nhưng rạng rỡ chiến công, mười năm sau, Trung đoàn 33 mới được đứng trên đồi Ngọc Tước, nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; trong đoàn quân ấy có người chiến sĩ trẻ Thích Tâm Vượng.
Tháng 7 năm 1978, trung đoàn được điều động về Sư đoàn 303 Quân khu 7 và Mặt trận 479, đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Lần đầu tiên trong đời Thích Tâm Vượng mới biết thế nào là rừng cây thốt nốt khi sát cánh với bạn, cơ động đánh quân Pôn Pốt ở các tỉnh Công Pông Chàm, Công Pông Thom, Cra-chi-ê…
Để viết nên trang sử hào hùng ấy, đã có 3.050 chiến sĩ của trung đoàn anh dũng hy sinh trên các chiến trường miền Nam, gần 500 đồng chí đã ngã xuống trên đất nước Cam-pu-chia trong thời kỳ đánh bọn diệt chủng Pôn Pốt; gần 1.000 đồng chí mang trên mình vết thương chiến tranh… Đó là chưa kể hết bao nhiêu đồng chí đang từng ngày từng giờ bị di chứng chất độc màu da cam hành hạ đau đớn…
Một vài lần Đại Đức Thích Tâm Vượng xúc động kể cho chúng tôi về những chuyến thăm lại chiến trường xưa, được gặp mặt những đồng đội tại Nhà lưu niệm của Trung đoàn trên đồi Ngọc Tước, thành phố Vũng Tàu, làm lễ cầu siêu cho đồng đội tại Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Trung đoàn 33 ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chính trên mảnh đất này, trong cuộc chiến đấu giải phóng Bình Ba, chiến dịch mùa xuân năm 1969, đã có 50 cán bộ chiến sĩ trung đoàn anh dũng hy sinh.
Có lần ngồi trên máy bay, chính ông cũng không hiểu nổi tại sao ngày ấy, với chiếc ba lô con cóc nặng năm sáu chục cân trên vai, với khẩu súng trong tay và chiếc mũ tai bèo lại có thể ngày đêm trèo đèo vượt suối… Bây giờ đất nước đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như lời Bác nói nhưng những đồng dội đã đi xa, lại chỉnh tề đội ngũ trong nghĩa trang như đang ngày đêm hành trình vào những trang lịch sử thiên thu của dân tộc… Những tâm sự ấy của Đại Đức như đã truyền sang chúng tôi tình cảm yêu quý, trân trọng đối với Trung đoàn 33 anh hùng mà Đại Đức Thích Tâm Vượng chính là nhân vật, đồng thời là nhân chứng lịch sử.
Ngay sau khi rời cây súng, Đại Đức Thích Tâm Vượng lại trở về mặc áo cà sa nhưng cho đến nay, ông vẫn nặng lòng với màu áo lính, nặng lòng với đơn vị cũ. Đại Đức Thích Tâm Vượng luôn luôn tích cực tham gia mọi hoạt động của Hội CCB và làm tốt trách nhiệm cao cả của một chức sắc Phật giáo vì Đạo pháp và dân tộc.
Hồng Quốc Văn