Một người cộng sản Áo bị trưng tập vào đội quân lê dương của Pháp sang chiến trường Việt Nam, nhưng sớm giác ngộ, tìm cách liên hệ với tổ chức cộng sản, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước Cách mạng Tháng Tám, rồi được phong hàm Đại tá ngay từ đầu kháng chiến chống Pháp. Frey - Nguyễn Dân là một chiến sĩ quốc tế đặc biệt, một Đại tá đặc biệt của QĐND Việt Nam.

Ernest Frey sinh năm 1915 tại thành Viên - thủ đô nước Áo. 19 tuổi, ông gia nhập tổ chức Thanh niên cộng sản Áo và nhiều lần vì đấu tranh chống lại nhà nước phát xít Áo nên đã bị bắt bỏ tù. Sau khi ra tù, ông có ý định gia nhập Binh đoàn tình nguyện quốc tế sang chiến đấu ở Tây Ban Nha chống chủ nghĩa phát xít, nhưng lại bị đẩy vào đội quân lê dương rồi được điều sang Việt Nam vào tháng 7-1941. Sau khi sang Việt Nam, Frey đã cùng một số lính lê dương vốn là cộng sản người Áo và đảng viên Đảng Cộng sản Đức bí mật thành lập một nhóm những lính lê dương là cộng sản tại Việt Trì và Frey là người phụ trách chính trị của nhóm.

Mùa hè năm 1943, một thành viên của nhóm cộng sản cũng là người Viên (Áo) đã bắt liên lạc được với nhóm đảng viên xã hội tại Hà Nội và qua tổ chức này bắt mối quan hệ trực tiếp với những người cộng sản. Bằng mọi cố gắng, cuối năm 1943, cuộc gặp đầu tiên giữa Frey với đồng chí Túc (phái viên của Ban Chấp hành T.Ư Đảng) đã diễn ra gần một “hồ nhỏ”. Qua nhiều lần tiếp xúc với phái viên của Trung ương, Frey từng bước nắm được cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó nhóm cộng sản của Frey quyết định xin gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tiếp sau phái viên Túc, người trực tiếp quan hệ, vận động, giáo dục Frey là đồng chí Trường Chinh - Tổng bí thư của Đảng ta (bí danh là Phong). Sau một thời gian được đồng chí Trường Chinh giúp đỡ, đúng vào sinh nhật lần thứ 29 của mình (mùa hè 1944), Frey vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Frey bị quản thúc trong trại lính lê dương. Tháng 8-1945, từ trong trại quản thúc, Frey được biết Hồng quân Liên Xô đã tuyên chiến với Nhật, đánh bại đạo quân Quan Đông  và Nhật Bản buộc phải đầu hàng Đồng Minh. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị, chớp thời cơ lãnh đạo toàn dân làm Cách mạng Tháng Tám thành công.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam DCCH ra đời, Frey được bố trí gặp đồng chí Phong - người trực tiếp giúp đỡ mình trước đây (lúc này ông mới biết là Tổng Bí thư của Đảng) và các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Được tiếp xúc với Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, tuyên đọc trên Quảng trường Ba Đình trong ngày 2-9 và được gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Frey bày tỏ nguyện vọng được phụng sự đất nước Việt Nam mới và chính thức nhận nhiệm vụ Đảng giao. Cũng từ đây, ông có tên Việt Nam là Nguyễn Dân. Lúc đầu, Nguyễn Dân chủ yếu làm báo (viết bằng tiếng Pháp), sau đó được đồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cùng đồng chí Vương Thừa Vũ mở khóa huấn luyện quân sự cho Vệ quốc quân. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp yêu cầu: “Anh Frey có nhiệm vụ là làm thế nào sau 70 ngày phải biến một người thường dân thành một sĩ quan”. Frey ý thức đây là một nhiệm vụ quá sức, nhưng với vốn kiến thức quân sự của mình, ông vẫn cố gắng thực hiện.

Thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã cử Nguyễn Dân giúp một đơn vị thuộc Trung đoàn Thủ đô chiến đấu bảo vệ Hà Nội, giam chân địch trong những ngày đầu kháng chiến. Sau khi cùng Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng lên Việt Bắc, ông được giao nhiệm vụ tham gia huấn luyện cán bộ cho Trung đoàn Thủ đô, làm Trợ lý cho Bộ trưởng, làm Khu trưởng Khu 9 - Chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ khu căn cứ Trung ương. Tại đây, ông được tham gia Ủy ban đón tiếp phái đoàn Nam Bộ và vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Bác Hồ động viên: “Các đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp đã kể tôi nghe về chú. Tôi rất vui được biết chú cùng gánh vác công việc với chúng tôi…”. (“Hà Nội - nơi Frey đến với cách mạng” - Trần Đương, tr.139)

Chiến tranh ngày càng ác liệt khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Theo yêu cầu nhiệm vụ, Nguyễn Dân được cử vào Quân khu 4 làm Phó tư lệnh Quân khu, trở thành một trợ thủ đắc lực cho Thiếu tướng Nguyễn Sơn - Tư lệnh quân khu. Chiến tích nổi bật của Nguyễn Dân thời gian làm Phó tư lệnh Quân khu 4 là vào năm 1947, ông trực tiếp chỉ huy trận phục kích đánh giao thông trên đèo An Khê, giành thắng lợi.

Sau trận An Khê, Nguyễn Dân được điều trở lại Việt Bắc, được phong quân hàm Đại tá - một trong những Đại tá đầu tiên của Quân đội ta; đặc biệt, ông lại là người Áo, một cựu lính lê dương.

Mùa hè năm 1948, theo yêu cầu của tình hình chiến trường, Nguyễn Dân nhận nhiệm vụ trở lại tiếp tục làm Phó tư lệnh Khu 4. Sau 3 năm chỉ huy chiến đấu trên chiến trường Trung Trung Bộ vô cùng cam go, ác liệt, khó khăn thiếu thốn đủ bề; đầu năm 1951, Đại tá Frey - Nguyễn Dân được triệu tập ra Việt Bắc dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Ông là đại biểu đảng viên người nước ngoài duy nhất được dự Đại hội; vinh dự hơn, ông còn được phát biểu tại Đại hội. Dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II là kỷ niệm sâu sắc, vô cùng quý giá; ông còn được nhận tấm bưu thiếp của Bác Hồ gửi cho bằng tiếng Pháp trước khi ông hoàn thành nhiệm vụ ở Việt Nam, trở về Áo, quê hương mình:

Đồng chí Nguyễn Dân thân mến. Tôi rất tiếc là không thể đến bắt tay đồng chí trước khi đồng chí ra đi. Dù ở đây hay ở nơi nào khác, tôi chắc rằng đồng chí sẽ đem hết khả năng của mình phục vụ cho sự nghiệp của chúng ta.

Hồ Chí Minh”.

Từ một người cộng sản bị sung lính lê dương đánh thuê, trong gần 10 năm hoạt động ở Việt Nam, Frey - Nguyễn Dân đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, một sĩ quan cao cấp của QĐND Việt Nam, có đóng góp nhất định cho cách mạng. Năm 1951 ông về nước, nhưng cho đến cuối đời ông vẫn nặng lòng với Việt Nam mà ông xem là quê hương thứ hai của mình. Điều đó được ông thể hiện trong tâm thư ông gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi nhận được tấm bưu thiếp của Đại tướng:

Vào cuối đời mình, tôi không tin rằng đó là sự ngẫu nhiên khi tôi nhận được tấm bưu thiếp của anh. Tất cả tình yêu tôi dành cho Việt Nam và nhân dân Việt Nam, ở chừng mực nào đó, đã tập trung vào con người anh, vào những dòng chữ  thắm thiết của anh gửi cho tôi, đã đem lại cho tôi niềm vui không sao tả xiết. Dù có những khó khăn về ngôn ngữ, đối với tôi, Việt Nam là quê hương tôi mà tôi đã để mất từ năm 1951 (năm ông trở về Áo - DN). Nó cũng là đất nước duy nhất mà tôi từng sẵn sàng hiến dâng cả máu mình”.

Frey - Đại tá Nguyễn Dân, hay Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập (lính lê dương người Hy Lạp, giác ngộ, có công trong kháng chiến chống Pháp, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2013), là những gương chiến sĩ quốc tế đặc biệt của QĐND Việt Nam anh hùng.

Duy Nguyễn