Tác giả (bên phải) cùng Ban liên lạc lớp Đại học báo chí Khóa 5 tặng hoa chúc mừng thầy giáo Trần Bá Lạn (thứ ba trái sang).
Vào tuổi 94, đa phần thiên hạ, nếu chưa khuất theo tổ tiên thì cũng gắn với cái giường bệnh hoặc chiếc xe lăn. Hiếm hoi cũng có người còn tự đi lại được, nhưng ăn rồi thì nói chưa ăn, tắm rồi thì bảo chưa tắm, đêm thức ngày ngủ… khiến sinh hoạt của con cháu cứ loạn cả lên.
Thế mà thầy Trần Bá Lạn - nguyên Chủ nhiệm Khoa báo chí Trường Tuyên huấn T.Ư (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vẫn nhanh nhẹn, mẫn tiệp, lão thực như gần 40 năm trước đây, hồi thầy đang trực tiếp quản lý và giảng dạy chúng tôi…
Cuối tháng 7-2023, thầy gửi tặng tôi tập sách mới của thầy vừa xuất bản, có tựa đề “Nghĩa nặng tình sâu”, kèm mấy dòng đề tặng với nét chữ rắn rỏi, phóng khoáng, rất… hào hoa “bay bướm”.
Sáng 15-8-2023, tôi cùng nhiều thế hệ đồng nghiệp và học trò của thầy đến dự cuộc trưng bày chuyên đề và “tọa đàm”: “Nhà giáo, nhà báo Trần Bá Lạn - Từ giảng đường đến cuộc đời”, đồng thời cũng là lễ ra mắt giới thiệu cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” của thầy, tổ chức tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam ở Hà Nội.
Thầy Trần Bá Lạn sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi khoa bảng ở huyện Thường Tín - tỉnh Hà Tây, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Thân phụ của thầy là trí thức “Tây học”, giỏi chữ Hán, thạo tiếng Pháp, được triều đình nhà Nguyễn phong hàm Cửu phẩm. Cụ là họa sĩ Sở Địa dư Đông Dương, có nhiều bức tranh nổi tiếng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi hội họa, là đồng tác giả cuốn “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ” hiện đang lưu trữ tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội.
Thầy Lạn chính thức tham gia sự nghiệp cách mạng cuối năm 1946, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ban đầu, thầy làm việc tại Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ sơ tán trong An toàn khu ở Thái Nguyên. Từ đây, chàng thanh niên khéo tay Trần Bá Lạn được gửi vào học Trường Kỹ nghệ Liên khu IV đóng ở Nghệ An. Cũng nhờ “khéo tay, hay chữ” nên sau khi tốt nghiệp trường Kỹ nghệ, thầy được phân công về báo Tiền Phong ở chiến khu Việt Bắc, rồi được cử đi học Đại học báo chí 4 năm tại Bắc Kinh - Trung Quốc. Tốt nghiệp đại học báo chí, thầy về công tác ở Vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn T.Ư. Đầu năm 1962, thầy được giao nhiệm vụ thành lập Khoa Báo chí của Trường Tuyên huấn T.Ư, sau đó được bổ nhiệm làm Trưởng khoa cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 1991.
Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ghi nhận thầy Trần Bá Lạn là người đặt nền móng xây dựng Khoa Báo chí đầu tiên ở nước ta, nay là Viện báo chí thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; là người soạn thảo bộ giáo trình báo chí đầu tiên của nền giáo dục đại học Việt Nam; là thầy giáo trực tiếp của rất nhiều thế hệ những nhà báo danh tiếng và những cán bộ quản lý báo chí có uy tín.
Tháng 6-2022, tại cuộc hội ngộ kỷ niệm 60 năm truyền thống Khoa Báo chí của Trường Tuyên huấn T.Ư, nay là Viện Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền(1962-2022) một số cựu quan chức Ngành Tư tưởng và Văn hóa kể rằng: Hồi đương chức, các ông đã từng đề nghị thầy tập hợp các tập giáo trình nghiệp vụ báo chí mà thầy biên soạn, nộp cho cơ quan chức năng để cấp tiến hành các thủ tục đề nghị phong học hàm Giáo sư cho thầy. Nhưng do thời đó chưa có Hội đồng Giáo sư Báo chí, nên công việc dang dở đến nay. Đươc nghe các học trò là những cựu “chức sắc” phân trần như vậy, thầy nói rằng: đối với thầy việc đó không còn cần thiết nữa, bởi hiện nay thầy vẫn còn nhiều việc phải bận tâm hơn.
Có lẽ, một trong những công việc mà thầy đang “bận tâm” nhất hiên nay đó là việc khảo cứu, phục hồi, diễn nghĩa… các văn bia, thư tịch…, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề văn hóa và lịch sử… “Sự nghiệp” này được thầy bắt đầu từ khi nghỉ hưu và đến nay đã thu được những kết quả đáng kể. Đặc biệt gần đây, thầy đã bỏ ra nhiều công sức sưu tầm và dịch thuật nhiều tài liệu từ tiếng Hán cổ, góp phần thẩm định và tìm ra bia ghi danh cụ Tiến sĩ Trần Trọng Liêu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gắn với một giai đoạn lịch sử nhiều thăng trầm của dân tộc. Công trình này đã được chính quyền địa phương và các ngành chức năng nghiệm thu. Danh nhân Trần Trọng Liêu đã được đặt tên cho một đường phố ở Hà Nội. Nhiều người gọi thầy Trần Bá Lạn là nhà Nho học còn “sót lại” giữa thời đại @ (!).
Những câu chuyện trên đây nhiều người đã biết. Nhưng có thể nhiều người chưa biết thầy là chủ nhân của 2 tài khoản Facebook với nickname là “Trần Bá Lạn” và “Lạn Trần” có hàng nghìn người theo dõi. Tôi ra trường đã lâu, có khi vài năm không được gặp thầy, nhưng nhiều năm nay vẫn thường xuyên chuyện trò, giao lưu, tương tác với thầy trên mạng xã hội. Thầy là một Facebooker vừa uyên thâm vừa dí dỏm. Mỗi khi được đọc những status của thầy; hoặc được thầy tương tác bằng nút like, thả tim và comment… bỗng thấy mình vui vẻ và tự tin hơn.
Kính chúc thầy thượng thọ mạnh khỏe, mẫn tiệp, an nhiên, hạnh phúc… và “lên phây” đều đều ạ!
Mai Nam Thắng