Dự án, “Bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống sinh thái lâm nghiệp”, nhằm tăng cường công tác bảo vệ đa dạng sinh học tại bốn khu vực thí điểm có sự đặc trưng về đa dạng sinh học là các rừng quốc gia Tam Đảo; Cúc Phương, Bạch Mã và Cát Tiên. Dự án nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác Việt – Đức trong lĩnh vực trọng tâm về “Chính sách môi trường, Bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên”. Trong đó, hoạt động trọng tâm của dự án là lập kế hoạch hành động, kế hoạch tài chính lâu dài cho các vùng được bảo vệ, đào tạo nâng cao năng lực liên quan đến điều tra sinh học và tác động của biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học trong hệ sinh thái lâm nghiệp.  Hệ thống sinh học của Việt Nam được coi là có nhiều nét đặc thù và cần được bảo vệ. Trong tổng số 13 triệu ha rừng ở Việt Nam, có khoảng 10 triệu ha là rừng tự nhiên, trong đó khoảng 2 triệu ha có sự đa dạng cao về chủng loại cao. Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do áp lực về di dân, thay đổi mục đích sử dụng đất, ảnh hưởng của môi trường, sự cạn kiện của nguồn tài nguyên thiên nhiên, khai thác rừng không bền vững. Trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, một mặt cần đảm bảo sự đa dạng chủng loại tự nhiên một cách lâu dài, mặt khác việc kết hợp hài hoà giữa các hệ sinh thái cũng là nền tảng hữu hiệu để chống lại những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mà Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.    Hoàng Linh (TH)