Thuyền chở du khách vào khu vực chùa Thiên Trù, động Hương Tích.

Du lịch tâm linh những năm gần đây đã và đang có sức hút đối với nhiều du khách. Cùng với tham quan, vãn cảnh, thì những ngày đầu xuân năm mới chính là dịp để người dân tìm đến các điểm di tích, chùa, đền... để dâng hương, cầu bình an…

Đặc sắc những lễ hội đầu năm trên mọi miền đất nước

Du lịch lễ hội đầu năm không chỉ là sản phẩm du lịch đơn thuần mà mang “giá trị kép”, vừa thúc đẩy Ngành Du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, giá trị di sản, di tích, kết nối cộng đồng. Theo thống kê, Việt Nam có gần 8.000 lễ hội và nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây là nguồn tài nguyên và lợi thế để tạo thành các sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch.

Bắt đầu từ Tết Nguyên đán kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch, nhiều lễ hội tưng bừng được tổ chức trên khắp mọi miền đất nước, là nét văn hóa tiêu biểu của người Việt. Đây cũng là dịp du lịch tâm linh sôi động. Các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thường được du khách lựa chọn những năm qua bao gồm chùa Hương (Hà Nội), đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phủ Dầy (Nam Định), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Từ Đàm (Huế), miếu Bà Chúa Xứ (An Giang)…

Ở điểm đến Yên Tử, là vùng đất mang nhiều ý nghĩa của Phật giáo Việt Nam, nơi Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông từng tu tập, không gian văn hóa và du lịch được khai thác nhiều sản phẩm từ tour tham quan, tour leo núi, tour tâm linh kèm nhiều hoạt động khác. Sự đa dạng này thu hút nhiều loại khách du lịch khác nhau.  Nhằm đảm bảo cho người dân tham gia Lễ hội Yên Tử được an toàn, Công an T.P Uông Bí đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai 1 tổ công tác gồm 15 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đội nghiệp vụ, công an xã Thượng Yên Công túc trực 24/24 giờ tại các điểm chùa để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp lễ hội.

Lễ hội chùa Hương năm 2024 có chủ đề: “An toàn, văn minh, thân thiện”. Năm nay, Ban Tổ chức có những đổi mới trong công tác tổ chức lễ hội, đảm bảo an toàn, văn minh và thân thiện. Tại chùa Hương, lượng người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái đầu năm vẫn rất đông, tính riêng ngày mùng 3 - ngày đầu tiên bán vé của mùa lễ hội năm 2024, đã có hơn 21.000 lượt người đến đây du xuân, lễ Phật. Ghi nhận đến ngày 14-2 (mùng 5 Tết), trước khai hội, lượng khách đổ về chùa Hương vẫn đông đúc.

Đối mặt với lượng khách cực lớn đổ về, Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn kết hợp với địa phương tổ chức hoạt động tiếp đón, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách tham quan, chiêm bái. Từ việc công khai giá vé tham quan, dịch vụ, bố trí nơi bán vé đi đò, xe điện đến khu vực gửi đỗ xe cho khách từ xa đến, đều được chuẩn bị chu đáo từ trước.

Về việc người dân đi lễ hội, chiêm bái đầu xuân văn minh, tiết kiệm hơn trước, TS. Mai Anh Tuấn - giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội - bày tỏ quan điểm: “Sau thời gian các lễ hội “biến tướng”, rối loạn thì giờ đây, có thể nói, người dân đã bắt đầu điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình. Chúng ta bắt đầu thấm thía hơn những gì đáng quý, những gì là sức mạnh bên trong để đương đầu, vượt qua biến cố chứ không phải là những yếu tố bên ngoài. Nếu duy trì tinh thần này được lâu, tôi tin, tất cả chúng ta sẽ có thêm nhiều lễ hội văn minh, ý nghĩa và phù hợp với từng địa phương”.

Tăng cường công tác quản lý

Ông Phạm Văn Tạo - nhân viên Ban Quản lý Di tích chùa Côn Sơn (T.P Chí Linh, Hải Dương) cho biết: Năm nay, lượng khách đến chùa du xuân, lễ Phật đầu năm rất đông. Nhà chùa không cấm người dân đốt vàng mã, nhưng hạn chế số lượng và phải đốt đúng nơi quy định. Đồng thời, lực lượng bảo vệ, dân phòng địa phương kết hợp với công an thành phố được huy động đảm bảo an ninh trật tự vừa tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi mê tín dị đoan diễn ra trong chùa trước và sau Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.

Các hoạt động tuân theo văn bản chỉ đạo của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) về việc Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Văn bản nêu rõ các nội dung về việc quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định, Chỉ thị, Công văn về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Đồng thời, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc...

Thực hiện Công điện số 11 ngày 30-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đề nghị sở VHTTDL, Sở Văn hóa, thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức triển khai việc tham mưu chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội.

Sở VHTTDL chỉ đạo, yêu cầu Ban Tổ chức lễ hội thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm tổ chức lễ hội trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của nghi lễ truyền thống trong các hoạt động lễ hội. Thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường….

Võ Hóa