Sản phẩm rượu sâm Báo được bán ở T.P Thanh Hóa.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất sâm Báo theo GACP-WHO gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa” được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt với yêu cầu định hướng mục tiêu  và yêu cầu kết quả khoa học nghiêm ngặt. Do vậy, việc lựa chọn đơn vị thực hiện dự án cũng đòi hỏi kỹ về kinh nghiệm và năng lực kinh tế. Tuy nhiên, dự án mới đưa vào thực nghiệm quá nửa chặng đường đã lộ diện người “hưởng lợi” bất thường từ dự án này?

Tháng 4-2020, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên vật liệu thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất sâm Báo gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa” (gọi tắt là Dự án sâm Báo). Dự án sâm Báo được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định 4125/QĐ, do ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký duyệt ngày 22-10-2018 trên cơ sở tờ trình số 998/TTr-KHCN (16-10-2018) của Sở KHCN Thanh Hóa. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn Công ty CP dược liệu Triệu Sơn (Tập đoàn TRISO) tổ chức thực hiện. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án hơn 10,709 tỷ đồng. Đầu năm 2019, dự án sâm Báo bắt đầu được trồng thử nghiệm tại xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, sâm Báo cùng dòng sâm Bố Chính, sâm Thổ Hào có ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên…, nhưng từ xưa sâm Báo đã được trồng ở vùng núi Báo (xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc). Tuy nhiên, để có cơ sở khoa học và thực tiễn về loài sâm có thực sự có giá trị tốt như truyền thuyết đã đồn thổi, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án sản xuất thử nghiệm “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất sâm Báo gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa”.  

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trên phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện nhiều bài báo quảng cáo về “sức mạnh” của sâm Báo, thậm chí còn đặt cho loài sâm này với cái tên khá mỹ miều “Đại Việt đệ nhất Danh Sâm”!

Sự thật đằng sau cái tên mỹ miều này, ẩn chứa rõ toan tính của khá nhiều doanh nghiệp muốn kinh doanh kiếm lời. Điều khiến dư luận bất ngờ là, chính Công ty Cổ phần dược liệu Triệu Sơn (Công ty TRISO) được Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) Thanh Hóa và UBND tỉnh lựa chọn thực hiện đề tài lại là đơn vị vội vàng đứng ra giới thiệu sản phẩm và mở các đại lý bày bán các sản phẩm từ sâm Báo. Các sản phẩm được bày bán như; rượu sâm Báo, café sâm Báo, nước tăng lực… giới thiệu bán rầm rộ. Vậy những sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Báo này thực sự đã đủ “an toàn” đề lưu hành? Để làm rõ thắc mắc trên, ông Nguyễn Ngọc Túy - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thanh Hóa cho biết: Dự án sâm Báo đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm, hiện nay chưa nghiệm thu khoa học… việc Công ty Cổ phần dược liệu Triệu Sơn giới thiệu và bày bán là Công ty tự làm.

Vừa là nhà thầu thực hiện cung cấp nguyên vật liệu thực hiện dự án mô hình sản xuất sâm Báo gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, Công ty Cổ phần dược liệu Triệu Sơn lại là đơn vị bao tiêu sản phẩm, quảng bá rầm rộ sản phẩm chưa kiểm chứng. Trong khi dự án lại sử dụng số tiền không nhỏ từ nguồn ngân sách Nhà nước. Vậy dư luận đang đặt ra dấu hỏi: Ai mới là người hưởng lợi ích từ Dự án này?

Thanh Nghĩa - P. Tuấn