Hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về quê theo học đỗ cử nhân ngữ văn Sư phạm rồi dạy học đến khi nghỉ hưu. Mê say sách báo văn chương và có năng khiếu, ông viết báo, làm thơ. Thơ của ông đăng tải trên 30 tờ báo, tạp chí địa phương và Trung ương; được chọn in trong một số tuyển tập.

Ngõ Xưa – tập thơ được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành. Trong 45 bài thơ, chỉ có mươi bài ông ghi ngày tháng, địa danh sáng tác từ năm 1971 đến năm 2004; còn lại bạn đọc vẫn hình dung được về thời gian và những miền quê ông qua, ông sống trên đất nước mình và nước bạn.

Với ông, thơ dường như là công việc “tay trái”,nhưng thơ lại rất “có nghề” bởi câu từ, vần điệu, cách thể hiện... Dễ đọc, dễ cảm nhận, mượt mà như ca dao mà sâu sắc, lắng đọng: Dừng chân bên khóm tre gầy/ Tôi gom hạt gió đong đầy nỗi mong (Ngõ xưa) hay: Dầm dề mưa ướt tiếng kêu/ Của con chim cuốc gọi chiều vào mưa (Tháng bảy mưa ngâu); hoặc: Gặp nhau ở giữa rừng Lào/ Đang cơn sốt rét ngã vào tay em (Nhớ)...

Công tác ở Tây Bắc, vượt dải Trường Sơn, chiến đấu ở Lào, vào Sài Gòn hay qua bến đò, vào ngôi chùa, đi chợ rồi viếng mộ cha, ngày giỗ mẹ, gặp thày giáo thương binh... ông đều làm thơ mà thơ lại chất chứa nỗi niềm bao dung, nhân hậu, đằm thắm, được bạn đọc đồng cảm như chia sẻ cùng họ, nói thay họ bao vui buồn trăn trở, ước mong.

Những năm gần đây, “phong trào” sáng tác thơ thật rầm rộ, thơ in báo, in sách nhiều lắm, đọc không xuể. Trong “rừng thơ” của chúng ta, “Ngõ Xưa” của Trần Công Sản được bạn đọc gần xa đón nhận; đọc xong muốn đọc lại là một thành công của ông. Với ông, thế đã là hạnh phúc.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành Hương