Với sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, lãnh đạo 5 địa phương trong vùng và hàng trăm doanh nghiệp tham gia thảo luận và ký kết hợp tác đầu tư, ký kết hợp tác tài trợ vốn cho các dự án đầu tư trên địa bàn Tây Nguyên.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Từ năm 2011 đến nay, NHNN đã cho phép thành lập mới 30 chi nhánh Tài chính tín dụng, 8 phòng giao dịch và 7 Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, qua đó đáp ứng kịp thời nguồn vốn, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân. Hiện tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn khoảng 120,6 nghìn tỷ đồng, trong khi đó dư nợ tín dụng trên 222 nghìn tỷ đồng (riêng nông nghiệp, nông thôn 49,3%).
Để hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn, Thống đốc sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vào đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân vay vốn đầu tư vào những lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh của vùng. Đặc biệt là khuyến khích mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng; đơn giản hóa thủ tục cho vay, nhất là cho vay nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét nâng mức cho vay và khuyến khích hính thức vay tín chấp, nhất là với hộ nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số; có nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp như cấp bù lãi suất...
Cụ thể hóa một phần quyết tâm và tinh thần trách nhiệm đồng hành cùng Tây Nguyên của ngành Ngân hàng, tại Hội nghị, các tổ chức tín dụng cam kết tài trợ hơn 29 nghìn tỷ đồng, đối với 36 dự án phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ 2 và thứ 3 của Tây Nguyên, các tổ chức tín dụng đã bố trí đủ nguồn vốn và đẩy mạnh giải ngân cho các dự án được cam kết tài trợ. Đến nay đã có 36 dự án được giải ngân với số vốn giải ngân đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng cam kết, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có thế mạnh của vùng như: cà phê, cao su, giao thông, thủy điện...
Ngay sau Hội nghị, Đoàn công tác của NHNN do Thống đốc Lê Minh Hưng dẫn đầu đến một số doanh nghiệp và hộ tư nhân để lắng nghe những vướng mắc trong vay sử dụng vốn để Ngân hàng kịp thời ban hành, điều chỉnh những chính sách đặc thù cho Tây Nguyên góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả, cải thiện đời sống nhân dân.
Minh Phong