Bởi vì ai cũng biết Việt Nam có cơ cấu kinh tế với khoảng 80% là nông nghiệp. Để cải tạo và nâng cao chất lượng sản phâm nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp; đồng thời cũng là để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân - một thành phần quan trọng của Đảng ta từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước - một giai cấp quan trọng trong cơ cấu “Công - nông liên minh” làm nên sức mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam giành thắng lợi lịch sử trong nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc! Khi đã giành được độc lập, người dân (mà đa số là nông dân) - đối tượng luôn được nhà nước quan tâm đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc, Đảng ta luôn thể hiện rất rõ trong Nghị quyết của mình về điều đó, với phương châm: Hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp nước nhà. Nghĩa là các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh được với những nước có nền nông nghiệp hiện đại. Nghĩa là phải tăng hàm lượng chất xám vào từng công đoạn sản xuất để tạo ra một sản phẩm nông nghiệp ưu việt cao. Nghĩa là từ khâu chọn hạt (con giống), đến các yếu tố chăm sóc… đến khâu chế biến với những hệ thống máy móc hiện đại… Điều đó sẽ góp phần quan trọng nhằm hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường cho đầu ra của sản phâm nông nghiệp, để đạt giá trị “thặng dư” tăng cao, góp một tỷ trọng đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế nước nhà trong thời kỳ hội nhập… và cuối cùng là mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”!
Có thể nói, về lý thuyết, ai cũng dễ thấy! Nhưng những gì đã và đang diễn ra về bức tranh toàn cảnh nông nghiệp Việt Nam, thì quả thật chẳng có gi để gọi là “niềm tự hào” như những ngày cả dân tộc ta (chủ yếu là thanh niên nông dân) đánh và thắng giặc Pháp và giặc Mỹ.
Về bình diện chung, đất nước ta không thiếu người tài, đức. Đúng là người “hiền tài thời nào cũng có”. Chúng ta cũng đã có Viện lúa Đồng bằng Sông Hồng, Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long với không ít chuyên gia, viện sĩ, tiến sĩ, kỹ sư nông nghiệp giỏi. Đã từng công bố nhiều đề tài khoa học về nông nghiệp. Nhưng thật tiếc, cứ mỗi khi người nông dân với bản tính “hay lam, hay làm” mà hết năm này sang năm khác luôn bị rơi vào điệp khúc: “được mùa là rớt giá”, hay “càng trồng, càng nuôi lại càng lỗ” Điều này ắt hẳn nguyên nhân thuộc cấp điều hành vĩ mô của ngành nông nghiệp rồi. Có thể nói “hệ thống lo đầu ra” của ta chưa hoàn thành nhiệm vụ trong “chuỗi” sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, ngoài cái được chưa lấy gì làm tự hào nói trên, thì một điều mà hàng chục năm nay dư luận rất lo ngại. Đó là ở các chợ vùng ven biên giới luôn xảy ra việc buôn lậu hàng nông nghiệp của nước bạn: gạo Thái Lan, đường Thái Lan, trái vải, trái chuối, trái nhãn.. Thái Lan. Theo quy luật cung-cầu và giá., ở đâu sản phẩm tốt hơn, giá cả rẻ hơn là người tiêu dùng sẽ hướng tới. Mặc dù họ vẫn nhớ câu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng nếu một sản phẩm cùng loại, mà hàng Việt Nam chất lượng kém hơn, giá lại cao hơn, thì tôi nghĩ rằng ai cũng biết sẽ chọn mua gì. Câu hỏi đặt ra là: Lâu nay các đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học nông nghiệp tại các Viện nói trên như thế nào? tại sao không thể cạnh tranh được với các nước láng giềng có thổ nhưỡng và khí hậu giống chúng ta? Họ đã bao nhiêu lần “giật mình” vì những tụt hậu của ngành nông nghiệp chưa? Họ đã tham mưu gì cho Chính phủ làm sao để hạn chế thấp nhất việc chỉ biết mãi xuất khẩu những sản phẩm “thô” ra thị trường nước ngoài? Mục tiêu CNH-HĐH ngành nông nghiệp Việt Nam đến bao giờ mới có kết quả? Các nhà khoa học Việt Nam đâu cả rồi?

Sỹ Bình