Ông bồi hồi kể lại:

“ Bác Hồ mất ngày 2 tháng 9 năm 1969, trong ngày tổ chức tang lễ, linh cữu được quàn tại Hội trường Ba Đình. Đường vào viếng Bác bắt đầu từ sân Cột Cờ ( Viện Bảo tàng lịch sử quân sự ) lên Hội trường Ba Đình rồi tới khu nhà sàn nơi nghỉ và làm việc của Người. Tôi khi ấy là cán bộ phòng phát thanh binh vận, Cục Nghiên cứu, Tổng cục Chính trị. Vào viếng Bác, đoàn của Tổng cục Chính trị được đi đầu tiên và còn một vinh dự nữa là làm mẫu cho Ban tổ chức lễ quốc tang rút kinh nghiệm để điều hành các đoàn khác và khách quốc tế ở phía sau. Yêu cầu rất nghiêm ngặt là phải đi đúng thứ tự, giữ khoảng cách nhất định với nhau, bước chậm và đều. Đặc biệt là giữ trật tự trong giờ phút thiêng liêng. Nói vậy, nhưng khi nhìn thấy Bác nằm trong linh cữu bằng kính thì ai cũng nghẹn ngào, nước mắt cứ trào ra.. Nhiều người phải cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc. Tôi đang lau nước mắt thì phía sau hai chị Kim Cúc và Linh Nhâm của Đoàn văn công oà lên nức nở: Ơi Bác ơi, Bác Hồ ơi”, rồi thụp xuống và vật vã. Tôi vội ngoảnh lại định giúp các chị đứng dậy thì chính lúc nhìn xuống ấy, tôi thấy trên nền nhà, phía dưới chân Bác có một đôi dép cao su, những chiếc quai hình vòng cung đen nhánh, đế dép hơi dầy, những chỗ đặt gót và các đầu ngón chân mòn nhẵn. Tôi đã được thấy Bác đi dép vài lần, nhưng lúc đó nhìn đôi dép nằm lặng lẽ như lẻ loi, lạnh lẽo, lòng tôi quặn đau và nhớ tới những chặng đường lịch sử của cách mạng Việt nam đều in đậm dấu chân của Người. Tôi thầm nhủ sẽ làm một bài thơ về đôi dép của Bác Hồ, mà phải phổ được nhạc để trở thành bài hát.

Từ ý muốn tứ thơ là đôi dép đơn sơ, hình thức thể hiện cũng dung dị như những nét sinh hoạt đời thường của Bác, nên tôi đã chọn lục bát để gieo vần. Nhưng lục bát chỉ có câu 6 chữ và 8 chữ rất khó cho phổ nhạc, suy nghĩ mãi tôi chuyển thành lục bát phá cách, tức là có câu 6 chữ, câu 8 chữ cũng có câu 4 chữ, câu 2 chữ. Thế là đêm ấy, trên căn gác hai của phòng phát thanh binh vận, tôi đã vừa khóc vừa viết bài thơ “ Đôi dép Bác Hồ”. Tôi viết rất dễ dàng, các câu chữ như có linh cảm từ trước, như được trái tim mách bảo:

*“Đôi dép đơn sơ *

  • Đôi dép Bác Hồ *

  • Bác đi từ ở chiến khu Bác về *

  • Phố phường, *

  • trận địa, *

  • nhà máy, đồng quê. *

  • Đều in dấu dép Bác về Bác ơi. *

  • Dép này Bác trải đường dài *

  • Đã cùng Bác vượt chông gai *

  • Xây non nưước nhà. *

  • Đường đi chiến đấu gần xa *

  • Dấu dép cha già dẫn lối con đi…” *

Sáng hôm sau, tôi mang bài thơ đến toà soạn báo Quân đội nhân dân, nhà thơ Xuân Miễn phụ trách trang văn nghệ đọc ngay và khen “ Tốt lắm”, rồi cho đăng luôn. Báo phát hành, nhạc sĩ Văn An ở phòng phát thanh quân đội đọc được vội đạp xe tìm gặp tôi xin phổ nhạc. Ông vừa đánh pi-a-nô vừa hát cho tôi nghe, sau đó hai anh em lại lai nhau mang bài hát đến Đài tiếng nói Việt nam và ca sĩ Bích Liên đã hát lần đầu tiên, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ tổ chức thu âm. Năm 1971 Nhà xuất bản Âm nhạc thu đĩa và đưa vào tuyển tập những bài ca về Bác Hồ.

Đến nay, sau bốn mươi năm, qua sự chắt lọc của thời gian, bài hát “ Đôi dép Bác Hồ” đã được các thế hệ ca sĩ hát nhiều lần, vẫn là một bài hát hay về đề tài ca ngợi Hồ Chủ tịch và được mọi người yêu thích.

Tô Kiều Thẩm